Nga, Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga kéo dài từ ngày 5 -7/6 theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Điện Kremlin ở Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã xem xét, đánh giá các thành tựu đạt được cũng như thực tế phát triển mối quan hệ song phương trong 70 năm qua và đề ra định hướng phát triển trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm tại Điện Kremlin hôm 5/6. Ảnh: AFP |
Tổng thống Putin nhấn mạnh trong những năm gần đây mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã đạt tới "mức cao chưa từng có". Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết, mối quan hệ hiện tại giữa Nga và Trung Quốc đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, đồng thời bày tỏ sẽ vẫn tiếp tục đi lên trong tương lai.
Cũng trong hội đàm, Nga và Trung Quốc đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của sự hợp tác cho thời đại mới.
Ngoài vấn đề hợp tác song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã thảo luận về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như vấn đề Syria, Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Venezuela …
Sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nước đã ký kết tổng cộng 23 thỏa thuận về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư và giáo dục. Đặc biệt, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và công ty viễn thông MTS của Nga đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển mạng 5G tại Nga trong năm tới.
Trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đang chịu sức ép chưa từng có từ phía Mỹ, việc hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện và chiến lược trong thời kỳ mới, cùng việc củng cố sự ổn định chiến lược trong thời kỳ hiện đại, đã trở thành động lực đưa quan hệ giữa hai cường quốc lên tầm cao mới.
Tổng thống Trump hoãn áp thuế vô thời hạn với Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/6 thông báo Mexico đã đồng ý thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn làn sóng di cư nên Mỹ sẽ không áp thuế với quốc gia này. "Tôi rất vui thông báo rằng Mỹ và Mexico đã ký thỏa thuận. Mức thuế Mỹ dự kiến áp đặt với Mexico từ ngày 10/6 đã bị đình chỉ vô thời hạn", Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 7/6 thông báo trên Twitter.
"Mexico đã đồng ý thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn làn sóng di cư qua Mexico tới biên giới phía nam của chúng ta. Điều này được thực hiện để giảm đáng kể, hoặc loại bỏ tình trạng di dân bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ", ông Trump cho biết thêm.
Thỏa thuận ông Trump đề cập là kết quả của các cuộc đàm phán căng thẳng giữa phái đoàn hai nước tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hai ngày qua, khi chính quyền Trump yêu cầu Mexico có biện pháp cứng rắn để chặn người di cư Trung Mỹ.
Nếu không đạt được thỏa thuận, Mỹ dự kiến áp thuế nhập khẩu 5% trị giá hàng trăm tỷ USD vào đầu tuần sau và tăng lên 5% mỗi tháng tới khi đạt 25% vào tháng 10 hoặc hoặc yêu cầu của Mỹ về kiểm soát người di cư được đáp ứng.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard sau đó cũng thông báo trên Twitter rằng Mỹ sẽ không áp thuế mới với quốc gia này và bày tỏ sự cảm ơn tới những người ủng hộ Mexico.
Quốc hội Thái Lan bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng mới
Quốc hội Thái Lan đêm 5/6 đã bầu đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo, làm thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này.
Ông Prayut Chan-o-cha nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Tương lai Mới, nhận được.
Với việc lưỡng viện Quốc hội bầu ông Prayut Chan-o-cha làm thủ tướng kế tiếp 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan giờ đây chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử.
Kết quả bầu Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng này.
Bà Theresa May từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ
Ngày 7/6, bà Theresa May chính thức thông báo từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, mở đường cho cuộc đua vào vị trí Thủ tướng tiếp theo của nước Anh.
Bà May sẽ vẫn là Thủ tướng tạm quyền cho đến khi đảng Bảo thủ tìm được người kế nhiệm. Việc đề cử lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ kết thúc vào lúc 16h GMT ngày 10/6.
Hiện đã có 11 ứng cử viên công khai ý định tham gia chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với ghế Thủ tướng Anh.
Tổng cộng 313 nghị sĩ Bảo thủ tại Hạ viện Anh sẽ lựa chọn lấy 2 ứng cử viên cuối cùng trong danh sách rút gọn. 125.000 thành viên đảng Bảo thủ Anh trên toàn quốc sẽ bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới trên cơ sở danh sách rút gọn này và qua đó bầu ra Thủ tướng mới ngay trong tháng 6.
WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,6% năm nay, giảm so với dự báo 2,9% hồi tháng 1 và 3% năm ngoái. Sang năm sau, tốc độ này sẽ nhích lên 2,7%.
"Niềm tin kinh doanh đi xuống, thương mại toàn cầu lao dốc, đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng trì trệ", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết, "Đà tăng trưởng vẫn rất mong manh". WB cho rằng nếu xung đột thương mại trầm trọng hơn, triển vọng sẽ càng u ám.
Tổ chức này cảnh báo kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, biến động tài chính tại các thị trường mới nổi và tăng trưởng yếu hơn dự báo tại các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu. "Bất ổn chính trị đang tăng. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gần đây cũng leo thang trở lại. Đầu tư toàn cầu đang suy giảm và niềm tin đi xuống", báo cáo nhận định.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, do lo ngại các động thái thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây ra tác động tiêu cực./.