Syria đề nghị LHQ yêu cầu Israel rút khỏi Cao nguyên Golan
Đại sứ Syria tại Liên Hợp quốc (LHQ) đề nghị Hội đồng Bảo an tiến hành các biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo cơ quan này thực thi đầy đủ nhiệm vụ trong việc thực hiện các nghị quyết liên quan đến Cao nguyên Golan.
Syria ngày 22/3 đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ duy trì các nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi Cao nguyên Golan sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ công nhận chủ quyền của Israel đối với khu vực này.
|
Ngày 22/3, Syria đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ duy trì các nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi Cao nguyên Golan. |
Trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari đề nghị Hội đồng Bảo an tiến hành các biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo cơ quan này thực thi đầy đủ nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện các nghị quyết liên quan đến Cao nguyên Golan.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tái khẳng định quan điểm của tổ chức đa phương này trong vấn đề Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc xung đột kéo dài 6 ngày năm 1967.
Dự kiến Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thảo luận vấn đề Cao nguyên Golan vào ngày 27/3 tới trong cuộc họp về việc nối lại nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa Israel và Syria tại Golan.
Trước đó, trên mạng xã hội Twitter ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực."
Động thái này của Tổng thống Trump đã vấp phải nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế, tương tự quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Hãng hàng không Garuda Airlines hủy mua 49 máy bay Boeing 737 Max 8
Hãng hàng không Garuda của Indonesia cho rằng tập đoàn sản xuất máy bay của Mỹ đã đánh mất lòng tin của hành khách sau 2 vụ tai nạn hàng không trong vòng 6 tháng.
Theo thông báo công bố ngày 22/3, hãng hàng không Garuda đã hủy đơn đặt hàng mua 49 máy bay phản lực Boeing 737 Max 8 trị giá hàng tỷ USD sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng của hãng hàng không Ethiopia Airlines và Lion Air liên quan đến dòng máy bay này.
Năm 2014, Garuda công bố đã đặt mua 50 máy bay 737 MAX 8 của Boeing với tổng trị giá 4,9 tỷ USD. Theo người phát ngôn Ikhsan Rosan, Garuda đã nhận 1 trong số 50 chiếc của đơn hàng này và hiện hãng đang thảo luận với Boeing về việc hãng có thể trả lại chiếc máy bay đã nhận hay không. Giám đốc hàng Garuda nói với công ty truyền thông Detik của Indonesia rằng hãng sẽ cân nhắc chuyển sang mua một dòng máy bay mới.
Cũng trong tháng này, hãng hàng không Lion Air của Indonesia cho biết đã hoãn việc bàn giao 4 chiếc Boeing 737 Max 8 mới sau vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay này của hãng Ethiopia Airlines trên chuyến bay tới Nairobi hôm 10/3, khiến 157 người thiệt mạng.
Trước đó, trong vụ tai nạn ngày 29/10/2018, máy bay 737 Max của hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã lao xuống biển khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Các chuyên gia phát hiện hai vụ tai nạn trên có nhiều điểm tương đồng và điều này làm dấy lên hoài nghi về qui trình cấp phép sử dụng cho dòng máy bay 737 MAX. Loại máy bay này được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017 để cạnh tranh với dòng máy bay A320 Neo của Airbus.
SDF tuyên bố tiêu diệt hết IS, xóa sổ pháo đài cuối cùng của “đế chế tự xưng”
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết đã kiểm soát toàn bộ thị trấn Baghouz - thành trì cuối cùng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Đông Syria.
Lực lượng chiến binh Syria do người Kurd lãnh đạo hôm 23/3 tuyên bố đã loại bỏ hoàn toàn các tay súng IS tại khu vực Baghouz và pháo đài cuối cùng của lực lượng IS tại miền Đông Syria đã bị sụp đổ hoàn toàn sau gần 5 năm.
|
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết đã kiểm soát toàn bộ thị trấn Baghouz. |
Ngày 23/3, người phát ngôn của SDF, ông Mustefa Bali cho biết SDF đã giành lại quyền kiểm soát 100% lãnh thổ ở thị trấn Baghouz do tổ chức IS chiếm đóng.
Cũng theo ông Bali, lực lượng SDF lực lượng được chính quyền Mỹ hậu thuẫn, đã hoàn toàn loại bỏ lực lượng thánh chiến Hồi giáo này.
Lực lượng SDF đã cắm cờ vàng tại thị trấn Baghouz ngay trong buổi sáng ngày 23/3 để ăn mừng chiến thắng “mang tính bước ngoặt” này.
Đã có lúc, IS kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ khu vực phía Tây Syria cho đến ngay ngoại ô thủ đô Baghdadi của Iraq. Thế nhưng, trận chiến cuối cùng đánh dấu sự tận diệt của IS đã diễn ra tại Baghouz, một thị trấn nhỏ nằm ở bờ sông Euphrates mà không mấy ai biết đến.
Lực lượng chiến binh do Mỹ hậu thuẫn đã sơ tán gần 3.000 người tại thị trấn này, trong đó có hàng trăm chiến binh IS hồi đầu tháng này trước khi tổ chức chiến dịch quyết định tấn công sào huyệt cuối cùng của IS tại khu vực miền Đông Syria.
Trước đó, ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố tổ chức IS tự xưng đã bị đánh bại 100% tại Syria.
Tổng thống Trump đưa ra phát biểu trên khi ông cho các phóng viên xem bản đồ của khu vực này.
Lùi thời hạn Brexit
Ngày 21/3, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cho nước Anh lùi thời hạn thực thi Brexit thay vì ngày 29/3 theo kế hoạch. Điều này cho thấy, tiến trình Brexit có thể lại bị trì hoãn và kết thúc không có một thỏa thuận nào.
EU và Anh đã nhất trí với kế hoạch lùi thời điểm Brexit tới ngày 22/5, trong trường hợp Hạ Viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit. Nếu các nghị sĩ Anh một lần nữa bác bỏ văn kiện thỏa thuận trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới, EU cho biết Anh sẽ phải đề xuất một kế hoạch mới trước ngày 12/4.
|
Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/3 đã đồng ý cho nước Anh lùi thời hạn thực thi Brexit thay vì ngày 29/3. |
Ban đầu, bà Theresa May muốn hoãn lại đến ngày 30/6. Tuy nhiên, cuộc bầu cử nghị viên châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26/5. Nếu hoãn đến ngày 30/6 thì nước Anh phải đi bầu nghị viện châu Âu. Đây là không thể vì nước này đã xin ra khỏi khối EU.
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo đạt được thỏa thuận cho tiến trình Brexit, cũng như đạt được các thỏa thuận khác giữa EU và Anh trong vụ “ly hôn” này.
Hiện tại chưa có gì chắc chắn rằng quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch của bà May, trong khi nhiều nghị sĩ Anh đã lên tiếng yêu cầu bà từ chức. Do đó, tuần tới sẽ là thời gian quyết định với vấn đề Brexit cũng như tương lai của bà May.
Đàm phán thương mại với Mỹ - Trung đang có tiến triển
Nhà Trắng ngày 23/3 tuyên bố Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh, Trung Quốc để tham gia vòng đàm phán thương mại cấp cao cuối cùng dự kiến bắt đầu vào ngày 28/3.
Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp đón một phái đoàn thương mại của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tới tham gia các cuộc họp tại Washington dự kiến bắt đầu vào ngày 3/4.
|
Mỹ và Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến thương mại sau khi hai bên trả đũa nhau bằng các biện pháp thuế áp lên hàng nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỷ USD. |
Trước đó, hôm 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang tiến triển và một thỏa thuận cuối cùng có vẻ khả thi trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách xoa dịu căng thẳng từ cuộc chiến thương mại kéo dài 8 tháng.
Đồng thời, ông nói thêm việc tuyên bố có thể áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc "trong một khoảng thời gian" không có nghĩa là tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên, ông Trump cũng cảnh báo Mỹ có thể sẽ duy trì các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong một thời gian, dù cho Bắc Kinh hối thúc dỡ bỏ các mức thuế này trong bất kỳ thỏa thuận nào.
Mỹ và Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến thương mại sau khi hai bên trả đũa nhau bằng các biện pháp thuế áp lên hàng nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỷ USD. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị tăng thuế của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.