Lở đất kinh hoàng ở Trung Quốc chôn vùi 141 người
Theo truyền thông Trung Quốc, ước tính đã có 141 nạn nhân được xác định là mất tích do bị vùi lấp trong vụ lở đất nghiêm trọng xảy ra vào sáng sớm ngày 24/6 tại thôn Tân Ma, thị trấn Điệp Khê, huyện Mậu, châu A Bá, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Giới chức địa phương đã điều động lực lượng cứu hộ hơn 500 người và các phương tiện ngay lập tức đến hiện trường triển khai công tác cứu hộ.
Ước tính có 46 căn nhà của các hộ nông dân bị chôn vùi cùng 141 người bị vùi lấp trong vụ lở đất nghiêm trọng này. Ảnh: Reuters |
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu các ban, ngành liên quan nỗ lưc cao nhất nhanh chóng tổ chức lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người còn mất tích, giảm thiểu con số thương vong.
Ước tính có 46 căn nhà của các hộ nông dân bị chôn vùi cùng 141 người bị vùi lấp trong vụ lở đất nghiêm trọng này.
Vụ sạt lở từ ngọn núi cao 3.000 mét cũng tạo ra đống đất đá dài 2km chắn ngang con sông và khiến giao thông xung quanh khu vực bị ách tắc. Hiện lực lượng cứu hộ đang cố gắng đưa những tảng đá lớn chôn vùi nhà cửa ra khỏi khu vực. Theo thông báo mới nhất, đã có 3 nạn nhân được cứu sống, trong đó có một em bé sơ sinh.
Khu vực vùng núi ở tỉnh Tứ Xuyên là nơi thường xuyên diễn ra động đất và ngập lụt. Năm 1933, 6.800 người thiệt mạng trong vụ lở đất do động đất gây ra. 2.500 người khác cũng thiệt mạng do vỡ đập nước. Năm 2008, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter làm rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên, khiến hơn 87.000 người thiệt mạng và 10 triệu người mất nhà cửa.
Anh chính thức đàm phán rời EU
Cuộc đàm phán về việc London rời Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, đã chính thức bắt đầu ngày 19/6 tại Brussels, Bỉ với cuộc họp giữa các nhóm đàm phán châu Âu và Vương quốc Anh.
Dư luận Anh và EU đều kỳ vọng, hai bên có thể hướng tới một cuộc đàm phán mang tính xây dựng, mang lại một kết quả tốt cho cả hai bên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn cả Anh và EU sẽ có một thỏa thuận tốt trong cuộc đàm phán Brexi.: “Chúng tôi đã có những định hướng chung. Cả 27 nước thành viên EU đang cùng nhau tiến về phía trước và lắng nghe cẩn thận nhũng mong ước và kỳ vọng của người dân Anh. EU cũng mong muốn hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận thuận tốt, đại diện cho cả lọi ích của EU và Anh”.
Bộ trưởng phụ trách Brexit Davis Davis (trái) và nhà đàm phán chính của EU Michel Barnier tại Brussels. Ảnh: Europa |
Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU, Michel Barnier trong một tuyên bố trước đàm phán đã nhấn mạnh rằng, EU hướng tới một cuộc đàm phán xây dựng với Anh.
Tuy nhiên, ông Michel Barnier cũng cảnh báo có nhiều thách thức sẽ nảy sinh giữa hai bên trong suốt quá trình đàm phán và hai bên cần nỗ lực để đạt một thỏa thuận mang lại lợi ích cho người dân của cả Anh và EU.
“Mục tiêu của chúng tôi là rất rõ ràng. Chúng tôi cần phải đối phó với những khó khăn mà Brexit gây ra, trước nhất là đối với người dân, sau đó là mang lại lợi ích cho các chính sách của EU. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể cùng nhau xác định những ưu tiên và xây dựng lộ trình cho đàm phán”, ông Barnier nói.
Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis cũng bày tỏ mong muốn nhanh chóng giải quyết những khó khăn trong đàm phán, đồng thời nhấn mạnh, cả Anh và EU cần giữ thái độ mang tính xây dựng để hai bên có thể tiến tới một thỏa thuận tốt cho cả hai. Theo ông Davis, Anh mong muốn một mối quan hệ sâu sắc và đặc biệt với EU sau cuộc “ly dị” này.
Theo kế hoạch, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong lịch sử hình thành EU. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May từng lên các kế hoạch Brexit “cứng”, bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu.
Tuy nhiên, việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng May không giành được đa số quá bán tại quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 8/6 vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh.
Thủ tướng May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ hối thúc bà có lập trường mềm mỏng hơn.
Nga phóng 6 tên lửa hành trình hạ 39 xe của IS
2 tàu khu trục nhỏ và một tàu ngầm của Nga đã phóng 6 tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các chiến binh khủng bố sau đó bị thiệt mạng trong một cuộc không kích khác.
Các tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ tàu khu trục của Hải quân Nga Admiral Essen và Admiral Grigorovich cũng như tàu ngầm Krasnodar từ phía Đông biển Địa Trung Hải.
Các cuộc tấn công nhằm vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của IS cũng như các kho chứa đạn dược ở tỉnh Hama. Các mục tiêu còn lại bị tiêu diệt trong các cuộc không kích tiếp theo. Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, thông tin về vụ không kích đã được thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Israel qua đường dây nóng.
2 tàu khu trục nhỏ và một tàu ngầm của Nga đã phóng 6 tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu của IS tự xưng ở Syria. |
Trong tuần qua, các chiến binh IS đã nỗ lực trốn khỏi thành phố Raqqa đang bị bao vây và hướng tới Palmyra thông qua hành lang phía Nam.
Nhóm khủng bố đang di chuyển lực lượng qua địa hình gồ ghề đến tỉnh Hama trong đêm và thiết lập trụ sở chỉ huy và kho đạn dược.
Các cuộc không kích diễn ra sau khi một đoàn xe bao gồm 39 xe và 120 chiến binh của IS bị phát hiện ở ngoài thành phố Raqqa. "Đội vận tải 39 xe của nhóm khủng bố được trang bị nhiều súng máy cỡ lớn đã bị phát hiện và tiêu diệt bởi không quân trên đường tới Palmyra", nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho hay.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Hạm đội Biển Đen của Nga cũng đã bắn tên lửa hành trình Kalibr để tiêu diệt một cơ sở sản xuất bom, đạn chùm của nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra đang hoạt động tại Syria.
Các nước khối Ả Rập đưa ra 13 yêu sách đối với Qatar
Kuwait, nước làm trung gian hòa giải tại khu vực, ngày 22/6 đã chuyển tới Qatar một danh sách những yêu cầu từ Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) để Doha thi hành nếu muốn giải quyết căng thắng chính trị.
Theo danh sách này, các nước khối Ả Rập yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này ngay lập tức và chấm dứt luôn hợp tác quân sự với Ankara.
Bên cạnh đó, Qatar cũng phải đóng cửa hãng tin Al-Jazeera. Thời hạn để thực thi những yêu cầu này là 10 ngày.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 21/6 đã bày tỏ mong muốn danh sách này sẽ là những yêu cầu phù hợp và khả thi để đưa đến một giải pháp nhanh chóng giải quyết tình hình căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh.
Ông Tillerson khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực hòa giải của Kuwait nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Qatar hiện đã bước sang tuần thứ 3.
Cuộc khủng hoảng Qatar diễn ra từ ngày 5/6, sau khi Ả Rập Saudi, Ai Cập, UAE,Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực. Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên.
Đảng của Tổng thống Macron chiến thắng áp đảo
Đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) và liên minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành tổng cộng 351 ghế trên tổng số 577 ghế của Quốc hội Pháp, theo kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2.
Chiến thắng của LREM là một thành tựu đáng chú ý của Tổng thống Macron. Đảng LREM được thành lập tháng 4/2016 và nhanh chóng khuynh đảo “bản đồ chính trị Pháp”.
Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định: “Một năm trước, không ai có thể tưởng tượng rằng sẽ có một sự đổi mới chính trị lớn đến như vậy. Tổng thống Macron mong muốn mang đến “một luồng gió mới” cho nền dân chủ và cho người dân Pháp.”
Đảng LREM chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội đã đánh dấu cú đảo lộn lớn nhất trên chính trường Pháp kể từ năm 1958.
Với kết quả này, Tổng thống Macron sẽ có được sự hậu thuẫn cần thiết ở cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp, nhằm giúp ông thực thi các chính sách cải cách xã hội đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, thành công của Tổng thống Macron bị lu mờ phần nào khi tỷ lệ cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử đạt mức kỉ lục. 58% cử tri không đi bỏ phiếu, cao hơn tỷ lệ 51,3% vắng mặt tại cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 11/6.