Thế giới tuần qua: Khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe, Tổng thống Mugabe quyết không từ chức

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận động đất mạnh 7,3 độ richter tại biên giới Iran-Iraq khiến 530 người chết và việc quân đội Zimbabwe bắt giữ Tổng thống Robert Mugabe là những sự kiện nổi bật nhất trong tuần.

Trận động đất Iran-Iraq là thảm họa chết chóc nhất trong năm 2017
Trận động đất mạnh 7,3 độ richter ở vùng biên giới Iran và Iraq hôm 12/11 khiến 530 người thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương.
Theo kênh Press TV của Iran, tâm chấn trận động đất lúc 21h18 (giờ địa phương) ngày 12/11 nằm cách TP Halabja của Iraq khoảng 32km, gần biên giới Iran.
Tính đến ngày 14/11, ít nhất đã có 530 người Iran thiệt mạng và hơn 8.000 người bị thương vì trận động đất mạnh xảy ra ở biên giới Iran-Iraq hôm Chủ nhật tuần trước.
Ở Iraq, cơ quan truyền thông nước này cho biết có 7 người chết. Theo Bộ Y tế Iraq, số người bị thương là 535.
Thương vong lớn nhất là ở TP Sarpol-e Zahab, tỉnh Kermanshad của Iran. Ảnh: CNN
Khoảng 145 cơn dư chấn được ghi nhận xuất hiện sau trận động đất này, theo hãng tin IRINN. Số người chết trong trận động đất tại biên giới Iran-Iraq đã vượt qua trận động đất tại thành phố Mexico trong tháng 9 vừa qua khiến 369 người thiệt mạng
Trận động đất được cảm nhận ở một vài tỉnh khác ở Iran, kể cả ở thủ đô Tehran. Rung chấn cũng cảm nhận được ở các nước khác trong vùng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Armenia, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia, Qatar và Bahrain. Tuy nhiên, thiệt hại về người và của chủ yếu ở Iran và một phần ở Iraq.
Thương vong lớn nhất là ở thành phố Sarpol-e Zahab, tỉnh Kermanshad của Iran.
Ngay sau khi động đất xảy ra, lãnh tụ Hồi giáo Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei đưa ra thông điệp kêu gọi tất cả giới chức và cơ quan Iran nhanh chóng cứu trợ những người bị ảnh hưởng, kêu gọi lực lượng vũ trang Iran tìm kiếm người bị nạn và đưa người bị thương đến các trung tâm y tế.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ban hành chỉ thị đẩy nhanh các hoạt động cứu hộ. Tỉnh Kermanshad thông báo để tang 3 ngày.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn với chính phủ và nhân dân Iran về trận động đất gây thiệt hại khủng khiếp này. 
3 tàu sân bay Mỹ tập trận lần đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương
Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, 3 siêu tàu sân bay Mỹ gồm USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ngày 12/11 xuất hiện cùng các nhóm tấn công và nhiều chiến cơ khi tuần tra vùng biển ở Tây Thái Bình Dương.
3 tàu sân bay hạt nhân Mỹ bao gồm USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz hiện đang tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, 3 tàu sân bay của Mỹ cùng tham gia cuộc tập trận kéo dài 4 ngày với Hải quân Hàn Quốc.
3 tàu sân bay Mỹ đã tham gia tập trận rầm rộ ngay ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN
Các tàu USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt đã tiến vào vùng biển được gọi là Vùng Tác chiến Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên có 3 tàu sân bay của Mỹ tập trận với Hải quân Hàn Quốc.
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, cuộc tập trận được tiến hành nhằm tăng cường khả năng tin cậy của “sức mạnh răn đe mở rộng” trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên, cũng như hiện thực cam kết của Mỹ huy động mọi năng lực quân sự bảo vệ đồng minh.
Cuộc tập trận còn có sự hiện diện của 21 tàu, gồm 14 tàu Mỹ và 7 tàu Hàn Quốc được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng theo dấu và chỉ dẫn cho vũ khí diệt mục tiêu địch.
Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đây là lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua diễn ra cuộc tập trận có cả 3 nhóm tàu tấn công do các hàng không mẫu hạm Mỹ dẫn đầu ở Tây Thái Bình Dương. 
Cuộc tập trận diễn ra trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp tục chuyến công du châu Á để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 14/11, cho phép quân đội Mỹ và Hàn Quốc luyện tập các chiến dịch trên không, tấn công từ trên không và hộ tống các tàu sân bay.
Phản ứng với cuộc tập trận quy mô lớn này, Triều Tiên vừa lên tiếng cảnh báo chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ bất cứ lúc nào vì những hành động gây hấn liều lĩnh của Mỹ.  
Theo báo Anh Express, hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa ra lời cảnh báo hủy diệt thế giới để đáp trả cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra quanh bán đảo Triều Tiên.
KCNA trích cảnh báo của Bình Nhưỡng: "Cuộc tập trận hải quân chung xung quanh các đảo Paekryong và Yonphyong nhắm tới một cuộc tấn công phủ đầu vào các mục tiêu quan trọng của Triều Tiên là một sự khiêu khích quân sự cố ý và được vạch sẵn nhằm làm căng thẳng thêm tình hình đối đầu gay gắt.
Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay đang ở giai đoạn căng thẳng tồi tệ nhất, trong đó một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất kỳ lúc nào vì những hành động liều lĩnh của Mỹ nhằm gây hấn với Triều Tiên. Cuộc tập trận rầm rộ của Mỹ và đồng minh rõ ràng đang đưa khu vực đến thảm họa", hãng KCNA viết.
Phía Triều Tiên đã không phóng tên lửa đạn đạo hay thử bom hạt nhân kể từ ngày 15/9.
Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật chi tiêu quốc phòng lên tới 700 tỷ USD
Ngày 16/11, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về ngân sách quốc phòng trị giá 700 tỷ USD cho tài khóa 2018 và dự luật này đã được chuyển lên Tổng thống Mỹ Donald Trump để ký ban hành.
Trước đó, ngày 14/11 vừa qua, Đạo luật Cấp phép Quốc phòng thường niên (NDAA) đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 356 phiếu thuận và 70 phiếu chống, trong đó 127 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chưa đưa ra kế hoạch cụ thể về cách thức cung cấp tài chính cho Lầu Năm Góc.
Trụ sở của Quốc hội Mỹ.
Dự luật NDAA thường niên đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn bằng hình thức biểu quyết miệng.
Dự luật này là một sự thỏa hiệp thông qua đàm phán giữa lưỡng viện Quốc hội Mỹ, cao hơn khoảng 26 tỷ USD so với các đề nghị ngân sách quốc phòng ban đầu của Tổng thống Trump, và cao hơn khoảng 15% so với đạo luật năm 2016.
Tuy nhiên, cũng giống như Hạ viện, Thượng viện Mỹ đã không thể quyết định về cách thức cung cấp tiền cho Lầu Năm Góc. 
Theo kế hoạch phân bổ, dự luật sẽ phân bổ 634 tỷ USD cho các hoạt động nòng cốt của Lầu Năm Góc như mua vũ khí và trả lương.
Theo Đạo luật, lương của binh lính Mỹ sẽ tăng 2,4%, cao hơn một chút so với mức đề xuất của Lầu Năm Góc.
Gói ngân sách quốc phòng mới cũng sẽ cung cấp 66 tỷ USD cho các chiến dịch phản ứng nhanh tại nước ngoài và hỗ trợ tài chính cho một số chương trình an ninh của Mỹ với các đồng minh châu Âu.
Đáng chú ý, dự luật sẽ dành 12,3 tỷ USD cho hoạt động của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của quốc gia.
Cũng theo dự luật này, 8,5 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian gần đây liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Đảng cầm quyền tại Zimbabwe kêu gọi Tổng thống Mugabe từ chức
Áp lực đối với Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe ngày càng gia tăng khi các lãnh đạo cao cấp của đảng Zanu-PF cầm quyền tại nước này ngày 17/11 kêu gọi ông từ chức.
Tờ báo nhà nước The Herald đưa tin ngày 17/11, đảng ZANU-PF cầm quyền tại Zimbabwe đã kêu gọi Tổng thống Robert Mugabe từ chức.
Dấu hiệu mới nhất cho thấy quyền lực của nhà lãnh đạo 93 tuổi này đã sụp đổ sau khi quân đội Zimbabwe nắm quyền kiểm soát. 
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: AFP 
Ít nhất 8/10 ủy ban điều phối cấp tỉnh của Zanu-PF đã công khai kêu gọi ông Mugabe từ chức sau 37 năm cầm quyền.
Những cựu chiến binh từng đồng hành cùng Tổng thống Mugabe trong cuộc chiến giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Anh cũng ra một "tối hậu thư" yêu cầu ông từ chức hoặc phải đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình của quần chúng và bị trục xuất khỏi đảng Zanu-PF.
Theo The Herald, các chi nhánh của đảng ZAU-PF trên tất cả 10 tỉnh đã có cuộc họp vào cùng ngày và cũng kêu gọi vợ của ông Mugabe là bà Grace Mugabe rời khỏi đảng này. 
Trong cuộc gặp với chỉ huy quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga ngày 17/11, ông Mugabe đã nói rằng ông sẽ không từ chức. Tổng thống Mugabe khẳng định mình làm việc "bình thường" khi xuất hiện tại một lễ tốt nghiệp đại học.
Trước đó, hôm 15/11, Tổng thống Mugabe và bà Grace đã bị quân đội Zimbabwe tạm giữ sau một loạt các hoạt động quân sự nhằm "truy lùng các phần tử tội phạm" xung quanh tổng thống diễn ra từ đêm 14/11.
Quân đội Zimbabwe hiện cũng đã bắt hàng loạt quan chức cấp cao nằm trong nhóm chính khách ủng hộ bà Grace như Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Giáo dục. Bà Grace là tâm điểm của cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe khi muốn kế nhiệm chồng trở thành Tổng thống Zimbabwe.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần