Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Triều Tiên lên án tập trận chung Mỹ - Hàn

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình Nhưỡng đưa ra lời cảnh báo tấn công Mỹ vào thời điểm bất ngờ trong khi Mỹ và Hàn Quốc đang thực hiện cuộc tập trận hải quân; Philippines giải phóng TP Marawi sau gần 5 tháng bị lực lượng phiến quân chiếm đóng... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX
Đại hội Đảng lần thứ 19 Trung Quốc khai mạc sáng 18/10, đánh dấu việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Quốc bước vào "kỷ nguyên mới".
Đại hội có sự tham dự của 2.280 đại biểu, đại diện cho khoảng 89 triệu đảng viên trên khắp Trung Quốc, diễn ra từ 18 - 24/10 nhằm đưa ra những quyết sách quan trọng đối với vận mệnh của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới.

Đại hội nhằm bầu ra 200 thành viên chính thức và khoảng 100 thành viên dự khuyết Ủy ban Trung ương Đảng. Trong lần đại hội này, khoảng một nửa số thành viên Ủy ban trung ương Đảng của Trung Quốc sẽ được thay thế.
 Đại hội Đảng lần thứ 19 Trung Quốc khai mạc sáng 18/10. 
Ủy ban trung ương đảng mới sẽ bầu ra Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Bộ chính trị. Bộ chính trị gồm 25 thành viên từ ủy ban này, và trong đó 7 người được bầu vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị.
Bộ máy lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới dự kiến sẽ được công bố vào ngày 25/10 tới sau khi kết thúc đại hội đảng ngày 24/10.
Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc “bảo vệ thắng lợi quyết định trong việc xây dựng một xã hội thịnh vượng trên mọi mặt và phấn đấu cho thành công lớn của chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại những thành tựu 5 năm qua của Trung Quốc, trong đó có giảm đói nghèo, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì an ninh quốc gia. Ông Tập cũng đề cập đến sáng kiến "Một vành đai, một con đường" và một lần nữa nhấn mạnh đến "Giấc mơ Trung Hoa".
Về vấn đề kinh tế, ông Tập cho biết, GDP của nước này đã tăng từ 54 nghìn tỷ Nhân dân tệ từ năm 2012 lên 80 nghìn tỷ Nhân dân tệ, và chiếm hơn 30% GDP toàn cầu. 
Chủ tịch Trung Quốc dự đoán nước này sẽ hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa về cơ bản vào năm 2035 và trở thành cường quốc thế giới hàng đầu vào giữa thế kỷ. 
Liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập cho rằng chiến dịch này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt nhằm làm trong sạch đảng. Chiến dịch bắt đầu cách đây 5 năm và đến nay đã có hơn 1 triệu quan chức bị kỷ luật, hàng chục cựu quan chức bị lĩnh án tù. Ngay trước thềm Đại hội, 7 đại biểu đã bị loại vào phút chót, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng vẫn được giữ vững.

Triều Tiên phản đối cuộc tập trận Mỹ - Hàn, đe dọa tấn công bất ngờ Washington

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/10 cho biết Bình Nhưỡng đã cảnh báo tấn công Mỹ vào thời điểm bất ngờ trong khi Mỹ và Hàn Quốc đang thực hiện cuộc tập trận hải quân trên vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên đã có phản ứng mạnh mẽ khi hải quân Mỹ và Hàn Quốc đang tập trận chung quy mô lớn ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. 
Phía Mỹ tuyên bố đây chỉ là cuộc tập trận thường niên diễn ra hai lần trong năm và không nhằm đe dọa Bình Nhưỡng.
 Mỹ và Hàn Quốc đã có cuộc tập trận chung quy mô lớn ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. 
Ngày 18/10, Ủy ban Khẩn cấp Triều Tiên đã lên án cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và Hàn Quốc trên vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
"Mỹ đang hoang tưởng khi dọn trước mũi chúng tôi các mục tiêu chúng tôi coi là chính yếu. Mỹ nên chờ xem nước này sẽ đối mặt với một cuộc tấn công không thể hình dung nổi vào thời điểm không thể ngờ", hãng thông tấn KCNA ngày 19/10 dẫn tuyên bố của Ủy ban Khẩn cấp Triều Tiên. 
Theo Ủy ban Khẩn cấp Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đang cố gắng “phát động một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bằng mọi giá”.
Từ ngày 16 - 20/10, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu một cuộc diễn tập Hải quân lớn nhất từ trước tới nay. Tại cuộc tập trận chung này, Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan, 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Michigan, hơn 40 tàu chiến cùng các máy bay chiến đấu F-35, F-22..., cùng với các lực lượng hải quân Hàn Quốc tham gia diễn tập nhiều nội dung khác nhau.
Căng thẳng gia tăng trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên có những cuộc khẩu chiến nảy lửa. Lãnh đạo Kim Jong-un dọa có biện pháp "cấp độ cao nhất" chống Mỹ khi ông Trump dọa "huỷ diệt hoàn toàn" Bình Nhưỡng nếu Washington buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh. 
Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng 7 và tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6, cũng là lần mạnh nhất hồi tháng trước.
Tổng thống Duterte tuyên bố giải phóng hoàn toàn Marawi
Ngày 17/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố quân đội chính phủ nước này đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn TP Marawi khỏi tay nhóm phiến quân nổi dậy Maute sau gần 5 tháng qua.
Tổng thống Duterte tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi.
"Tôi tuyên bố giải phóng Marawi", Tổng thống Duterte phát biểu trước các binh sĩ tại TP miền nam Philippines ngày 17/10. Tuyên bố này đánh dấu thành quả trong cuộc chiến chống nhóm nổi dậy có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Marawi.
Trước đó, ngày 16/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận quân đội nước này đã tiêu diệt Omar Maute, thủ lĩnh nhóm phiến quân Maute và ông trùm Isnilon Hapilon của nhóm Abu Sayyaf tại Marawi.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết, các binh sĩ chính phủ đang truy lùng phần tử khủng bố người Malaysia tên là Mahmud bin Ahmad, đối tượng đã chỉ đạo và tài trợ cho cuộc vây hãm TP Marawi.
Tướng Eduardo Ano - Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cho biết, hiện vẫn còn khoảng 30 tay súng đang kháng cự ở khu vực dân cư nhỏ trên vùng đồi gần Hồ Lanao.
Quân đội Philippines cho biết, lực lượng phiến quân Maute giữ khoảng 20 con tin, kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ. Lực lượng chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến để quét sạch các tay súng Maute khỏi Marawi.
Trong các cuộc giao tranh với phiến quân Maute ở Marawi từ cuối tháng 5 vừa qua, quân đội Philippines đã tiêu diệt 847 phiến quân, trong khi tổn thất của quân chính phủ là 163 người cùng 47 dân thường. Hơn 1.700 binh sĩ và cảnh sát đã bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Khoảng 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. 
Tổng thống Duterte đã gia hạn thiết quân luật trên toàn bộ tỉnh miền Nam Mindanao đến cuối năm nay nhằm tạo điều kiện cho lực lượng an ninh quét sạch khủng bố tại đây.
Tuy cuộc chiến kết thúc, Marawi được giải phóng nhưng chính quyền Manila sẽ phải đối mặt với thách thức lớn để tái thiết thành phố.
Tổng thống Duterte cho biết chi phí dự kiến để xây dựng lại Marawi lên tới 50 tỉ Peso.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp hạn chế với Triều Tiên
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/10 đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Triều Tiên, nhằm tuân thủ tinh thần nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hôm 3/9 vừa qua.
Đây được xem là quyết định nhằm tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt hồi tháng trước nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng vì tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và lớn nhất từ trước tới nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sắc lệnh này bao gồm các biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính, khoa học và hợp tác kỹ thuật với Triều Tiên. 
Sắc lệnh còn đề cập 11 các nhân Triều Tiên có liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Putin cũng ra lệnh tước giấy đăng ký ở Nga của các tàu biển liên quan tới chương trình vũ khícủa Triều Tiên, đồng thời cấm các tàu này đi vào các cảng Nga trừ trường hợp khẩn cấp.
Sắc lệnh của Nga cũng bao gồm việc bàn giao trực thăng và tàu mới tới Triều Tiên. Sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/10.
Bình Nhưỡng cũng bị áp lệnh cấm với các mặt hàng “xa xỉ” như thảm có giá trị hơn 500 USD và đồ gốm sứ có giá trị 100 USD. Ngoài ra, Triều Tiên không được phép sử dụng bất cứ cơ sở nào ở Nga, trừ các cơ sở ngoại giao và lãnh sự quán.
Trong khi đó, cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Luxembourg, ngoại trưởng các nước EU đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên trong nỗ lực gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo.
Các biện pháp trừng phạt lần này hạn chế hoạt động đầu tư tại Triều Tiên và hoạt động xuất khẩu dầu khí tới Bình Nhưỡng. 
Trước đó trong ngày 16/10, Valentina Matvienko, người phát ngôn Thượng viện Quốc hội Nga, tái khẳng định Moscow lên án mạnh mẽ các hành động của Bình Nhưỡng trong phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi nghị quyết  của Hội đồng Bảo an LHQ.