Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, đồng minh và đối thủ đều thất vọng
Quyết định này đảo ngược chính sách của Mỹ, khiến nỗ lực hòa bình Trung Đông gặp khó, làm thất vọng cả đồng minh lẫn đối thủ của Washington.
Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này. Theo giới chức Nhà Trắng, quá trình chuẩn bị và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel đã giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một trong những cam kết tranh cử quan trọng. Động thái này cũng nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, bước đi nói trên được xem là sự đảo ngược so với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.
Kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995, yêu cầu các Tổng thống phải tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại làm ảnh hưởng cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông.
Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với toàn bộ thành phố, cho rằng điều này cần được giải quyết thông qua đàm phán. Không quốc gia nào có Đại sứ quán ở Jerusalem.
Quyết định này của ông Trump có nguy cơ làm bùng phát thêm căng thẳng ở khu vực vốn đang có xung đột tại Syria, Iraq và Yemen.
Trung Quốc và Nga đều đã bày tỏ quan ngại rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ở Trung Đông. Ngay cả các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp cũng thận trọng về quyết định này. Thủ tướng Anh Theresa May gọi quyết định của Mỹ là không có lợi cho hòa bình khu vực.
Ông Putin sẽ ra tranh cử Tổng thống Nga 2018
Ngày 6/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 4.
Trong cuộc gặp với các cựu chiến binh và cán bộ lão thành của nhà máy ô tô GAZ ở thành phố Nizhny Novgorod, ông Putin cho biết, ông sẽ tái tranh cử chức Tổng thống Liên bang Nga.
Ông Putin được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga lần đầu tiên cho nhiệm kỳ 4 năm vào tháng 3/2000 và tái đắc cử vào năm 2004. Từ năm 2008 đến hết năm 2012, ông giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, năm 2012 ông được bầu lại vào chức vụ Tổng thống Liên bang Nga và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 7/5/2018 tới.
Nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, đó sẽ là nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4 của ông. Theo số liệu thống kê của Trung tâm nghiên cứu dư luận toàn Nga, kể từ năm 2012, tỷ lệ ủng hộ ông Putin có xu thế tăng, luôn ở mức trên 80%, cao nhất lên đến 89,9%.
Trong một phiên thảo luận của câu lạc bộ Valdai hồi tháng 10/2017, ông Putin cho biết, nhiệm vụ của Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2018 - 2024 là xây dựng nước Nga thành đất nước mềm dẻo và có năng lực cạnh tranh ở mức cao nhất. Ông Putin khẳng định đất nước sẽ chỉ có tiến lên phía trước, và không bao giờ có thế lực nào có thể chặn bước Nga.
Bầu cử tổng thống Nga sẽ được tổ chức vào ngày 18/3 năm sau.
Anh và EU đạt được thỏa thuận lịch sử về việc "ly hôn"
Theo lãnh đạo Ủy ban châu Âu, các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit đã đạt được những "tiến bộ đầy đủ" để mở ra giai đoạn hai đàm phán bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh.
Ngày 8/12, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông báo lên Hội đồng châu Âu rằng Anh và EU đã đạt được tiến bộ đầy đủ về thỏa thuận "ly hôn".
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker gặp nhau tại Bỉ ngày 8/12. Ảnh: Reuters |
Các nhà đàm phán Anh và EU ngày 7/12 đã nỗ lực đàm phán xuyên đêm nhằm đạt sự đồng thuận trong vấn đề đường biên giới “mềm” với Ireland.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết, các cuộc đàm phán về Brexit đã đạt được những "tiến bộ đầy đủ" để mở ra giai đoạn 2 đàm phán bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh.
Phát biểu tại họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May, Chủ tịch Juncker nêu rõ EC đã chính thức thông báo lên Hội đồng châu Âu rằng hai bên đã đạt được tiến bộ đầy đủ về thỏa thuận "ly hôn", biên giới Ireland và quyền công dân.
Chủ tịch Juncker nói thêm rằng, Thủ tướng May đã khẳng định nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Anh, đồng thời tin tưởng rằng hai bên đã được bước tiến cần thiết.
Hiện EC đã sẵn sàng bắt đầu đàm phán giai đoạn 2 về thương mại và các mối quan hệ lâu dài giữa Anh và EU.
Về phần mình, Thủ tướng May nhấn mạnh sẽ tiếp tục đảm bảo lợi ích của toàn bộ cộng đồng Bắc Ireland.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nhận định đây là một kết quả tốt cho các bên về vấn đề biên giới Ireland khi thỏa thuận đã đảm bảo rằng sẽ không có "đường biên giới cứng" với Ireland sau khi Anh rời EU.
Trước diễn biến mới nhất này, Chủ tịch EU Donald Tusk đã hoan nghênh thỏa thuận này, song nhấn mạnh thêm London vẫn cần phải cung cấp thêm thông tin rõ ràng về mối quan hệ mới sau Brexit.
Ông Tusk chia sẻ: "Chúng ta đều biết rằng việc chia tay là rất khó, nhưng hoàn tất việc "ly hôn" xong và tiếp tục xây dựng một mối quan hệ mới còn khó hơn nhiều".
Thỏa thuận trên sẽ được trình lên lãnh đạo 27 nước xem xét thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/12 tại Brussels.
Theo kế hoạch, tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo EU sẽ quyết định có hay không “bật đèn xanh” cho việc đưa tiến trình đàm phán Brexit bước sang giai đoạn đàm phán tiếp theo về định hình mối quan hệ thương mại Anh-EU hậu Brexit.
Trước đó, ngày 4/12, EU và Anh đã lỡ hạn chót hoàn tất một thỏa thuận về các điều khoản “ly hôn” sau cuộc gặp giữa Thủ tướng May và Chủ tịch EC Juncker do khúc mắc chưa được giải quyết về vấn đề tương lai đường biên giới Ireland hậu Brexit. Đây là một trong 3 ưu tiên phải giải quyết trong giai đoạn một của cuộc đàm phán Brexit.
Hai nội dung còn lại bao gồm vấn đề về thanh toán tài chính và quyền của các công dân EU sống tại Anh về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận. 27 quốc gia châu Âu yêu cầu phải đạt các “tiến bộ đầy đủ” đối với cả 3 điều kiện này trước khi bước vào giai đoạn đàm phán thứ hai với các cuộc thảo luận về thương mại mà Anh đang nóng lòng trông đợi.
Với những bước tiến này, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thương mại và giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018.
Nga tuyên bố giải phóng hoàn toàn Syria khỏi IS
Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã báo cáo việc này cho Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nga, tại cuộc họp báo hàng năm đã thông báo cho các tùy viên quân sự nước ngoài, Đại tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Syria được hoàn toàn giải phóng khỏi những kẻ khủng bố và toàn bộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị tiêu diệt.
Hiện nay các đơn vị tiến công của Chuẩn tướng Suhel và Quân Đoàn xung kích tình nguyện thứ 5 đã đập tan các lực lượng vũ trang bất hợp pháp còn lại ở tỉnh Deir ez-Zor và giải phóng các khu vực dân cư Salih, El - Hreyta, El - Katja và Musalaha, đã kết hợp với quân đội chính phủ tấn công từ phía Nam.
"Như vậy, cho đến nay, trên lãnh thổ Syria không tồn tại các khu vực do IS kiểm soát", Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga nhấn mạnh.
Theo tuyên bố của Đại tướng Valery Gerasimov, hơn 1.000 khu dân cư đã được giải phóng và các đường giao thông huyết mạch đã không còn bị phong tỏa .
Tổng tham mưu trưởng cho biết, tất cả các hoạt động quân sự đã được lên kế hoạch và tổ chức bởi các cố vấn quân sự Nga được biên chế trong tập đoàn quân của các lực lượng ủng hộ chính phủ.
"Các đơn vị Lực lượng Đặc nhiệm Nga đã hành động tự tin và hiệu quả. Đóng góp lớn lao vào việc giải phóng lãnh thổ tiếp giáp phía đông từ Euphrates là các đơn vị tự vệ người Kurd và các bộ lạc của Đông Euphrates dưới sự lãnh đạo của Ban tham mưu liên minh và các cố vấn của chúng tôi", Đại tướng Valery Gerasimov nói.