Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội:
Thể hiện rõ tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới
Kinhtedothi - Sáng 18/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng uỷ, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn TP vào dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2025-2030.
Những góp ý tại hội nghị không chỉ phản ánh khát vọng phát triển bền vững, hiện đại mà còn gợi mở ra các hướng đi mới giàu tiềm năng để Hà Nội trở thành “cực tăng trưởng mới”, một trung tâm hội tụ – lan tỏa mạnh mẽ cả về kinh tế, công nghệ, môi trường và văn hóa.
Chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Tổ trưởng Tổ Biên tập tổng hợp và xây dựng Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; Bí thư Đảng uỷ các Trường đại học cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn; đại diện Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Hội Tự động hóa Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học, các chức sắc tôn giáo....

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí chủ trì hội nghị.
Tạo đột phá về nhân lực, hạ tầng đô thị cho phát triển
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của Dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo. Đồng thời cho rằng, đây là Dự thảo Văn kiện có tính kế thừa cao, toàn diện và nghiêm túc, bao quát cả bốn nội dung trọng tâm, không chỉ giới hạn trong báo cáo chính trị như nhiều địa phương khác.
Các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến góp ý xác đáng, phản ánh tầm nhìn, kỳ vọng và khát vọng phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Từ vấn đề thu hút nhân tài, phát triển hạ tầng giao thông, nâng tầm chất lượng tăng trưởng kinh tế, đến kiến nghị cụ thể về Khu công nghệ cao Hòa Lạc... các ý kiến đều hướng đến mục tiêu đưa Hà Nội thực sự trở thành đầu tàu phát triển của cả nước.

GS.TS Lê Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
GS.TS Lê Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, Dự thảo Báo cáo Chính trị được xây dựng bài bản, khoa học, nội dung sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển một Thủ đô văn hiến, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, hai trong ba khâu đột phá chiến lược được đề cập trong Dự thảo Văn kiện là “đột phá về nhân lực” và “đột phá về hạ tầng” cần có những nội dung cụ thể, rõ nét hơn. Từ đó, tập trung phân tích hai vấn đề lớn gồm: thu hút nhân tài và phát triển giao thông đô thị thông minh, bền vững.
GS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, thu hút nhân tài trình độ cao cho Hà Nội không thể tách rời với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Hệ sinh thái này bao gồm: khu công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các đại học hàng đầu, quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ…
Đồng thời, GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, các giải pháp nêu trong Dự thảo cần mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa mục tiêu này. Một số nội dung trong phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc như hoàn thành giai đoạn 2 và sản xuất sản phẩm công nghệ cao chưa đề cập đến cơ chế phối hợp chặt chẽ với các đại học – nơi tập trung nguồn lực nhân lực và nghiên cứu. Từ đó, GS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất Hà Nội cần đầu tư hoặc hợp tác đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo đặt tại các đại học lớn, theo mô hình Melbourne Connect của Úc; xây dựng trung tâm chế thử tại Hòa Lạc với cơ chế hỗ trợ đầy đủ vật tư, điều kiện để các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm.

GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước phát biểu tại hội nghị.
Ngoài ra, thực hiện cơ chế đồng tài trợ, đồng hướng dẫn giữa giảng viên đại học và chuyên gia công nghệ cao nhằm thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, gắn với các lĩnh vực ưu tiên như AI, sinh học, bán dẫn.
Liên quan đến phát triển giao thông, GS.TS Lê Anh Tuấn chỉ ra sự chưa đồng bộ trong việc nêu mục tiêu và danh mục dự án. Mục tiêu đặt ra là rất lớn (100% giao thông trung tâm quản lý thông minh, giảm 50% ùn tắc…), song Phụ lục 4 lại chỉ đề cập chuyển đổi xe buýt điện. Từ đó kiến nghị cập nhật danh mục các dự án ưu tiên mới, phản ánh đúng mục tiêu lớn đã đề ra, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, kết nối liên thông vùng, các hệ thống điều hành giao thông thông minh…
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận định, phần đánh giá kinh tế trong Dự thảo Văn kiện còn chưa tương xứng so với tiềm lực và vai trò kinh tế của Hà Nội. Theo đó, dù Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về GDP và đang tiệm cận TP Hồ Chí Minh ở một số chỉ tiêu, song Dự thảo Văn kiện chưa phản ánh đầy đủ thực trạng và lợi thế này. Ngoài ra, Hà Nội hiện là trung tâm tài chính quốc gia với sự hiện diện của nhiều định chế lớn; trong khi TP Hồ Chí Minh hướng đến tài chính quốc tế, Hà Nội cần giữ vững và phát huy vị thế trung tâm tài chính quốc gia.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, mục tiêu tăng trưởng 10,5% là khả thi, tuy nhiên, GRDP/người nên đặt ở mức 13.000–14.000 USD thay vì 12.000 USD như trong Dự thảo Báo cáo Chính trị. Tương tự, mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 25–30% vào năm 2030 là quá khiêm tốn, Hà Nội nên mạnh dạn nâng lên mức 30–40% để phù hợp với định hướng phát triển giao thông công cộng và đường sắt đô thị.
Bên cạnh ba khâu đột phá (thể chế - nhân lực - hạ tầng), theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nên bổ sung đột phá thứ tư về đô thị, cảnh quan và môi trường. Trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội nhất định phải đột phá về đô thị, môi trường, cảnh quan, bởi thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về những vấn đề này. Nếu thành phố tạo đột phá về cải tạo đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu phố cổ... thì không những cải thiện được cảnh quan, mà đây còn trở thành nguồn lực to lớn cho Thủ đô phát triển.

GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại hội nghị.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất – đề xuất đưa “nâng cao chất lượng môi trường sống” thành một đột phá chiến lược riêng. GS.TS Trần Thanh Hải cho rằng, Hà Nội đang đối diện hàng loạt vấn đề môi trường nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Cùng với đó là các vấn đề đặt ra trong phát triển không gian xanh…
Từ thực tiễn và phân tích sâu sắc, GS.TS Trần Thanh Hải đề xuất đưa “nâng cao chất lượng môi trường sống” thành một đột phá chiến lược riêng trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP bên cạnh các đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng. Mục tiêu là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị bền vững, phát triển kinh tế – xã hội hài hòa với môi trường, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho các thế hệ.
Theo GS.TS Trần Thanh Hải, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, nên đổi tên nội dung ưu tiên số 4 thành: “Phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Để làm được điều này, cần một cách tiếp cận toàn diện, bắt đầu từ quy hoạch đô thị bền vững – tích hợp đồng bộ chiến lược sử dụng tài nguyên, hạ tầng xanh, giao thông bền vững, năng lượng hiệu quả, thoát nước thông minh, xử lý chất thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Đưa văn hóa thành trụ cột phát triển Thủ đô
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, giai đoạn 2026 – 2030 là thời cơ mang tính lịch sử, yêu cầu Hà Nội không chỉ “đi cùng” mà phải “vượt lên” trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các địa phương.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cả nước đang bước vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với nhiều thay đổi thể chế sâu sắc. Hà Nội cần định hình tầm nhìn phát triển mới với chiến lược đi trước, dẫn dắt và lan tỏa. Cách tiếp cận không thể đi theo logic cũ mà phải từ tương lai, từ yêu cầu của thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng dành nhiều kỳ vọng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc và coi đây là biểu tượng của năng lực phát triển mới.Từ đó đề xuất phát triển khu vực này thành Trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút chuyên gia toàn cầu; Trung tâm sản xuất và sáng tạo công nghệ cao; Khu đô thị thông minh, sáng tạo của khu công nghệ cao.
Để khác biệt, Hà Nội cần thể hiện rõ ràng sự đột biến về chất lượng tăng trưởng, cơ cấu đầu tư, tỷ trọng các ngành chủ lực (kinh tế số chiếm 30% GRDP, công nghiệp văn hóa 8%). “Khung chiến lược của đất nước là nằm ở “Bộ tứ trụ cột”, Hà Nội cũng phải tập trung vào bộ tứ này, tiên phong dẫn dắt cả về công nghệ và hệ giá trị phát triển. Hà Nội phải trở thành cực tăng trưởng mới của quốc gia. Cho nên, Báo cáo chính trị phải thể hiện rõ định hướng phát triển quốc gia, tiên phong dẫn dắt, hội tụ lan toả” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị.
Bên cạnh các trụ cột kinh tế, hạ tầng và môi trường, nhiều đại biểu cũng đề xuất cần đưa văn hóa trở thành một nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ tới. Nhà thơ Bằng Việt – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, Hà Nội từ lâu đã được xem là trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước với bề dày nghìn năm văn hiến, truyền thống địa linh nhân kiệt và lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ hùng hậu. Do đó, nên đưa văn hóa vào nhóm “nhiệm vụ đột phá” của Thủ đô bên cạnh ba đột phá hiện tại. “Văn hóa là tinh túy, cốt lõi để Hà Nội vươn lên, tạo nên bản sắc và thế đứng riêng biệt so với các tỉnh thành khác” - Nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.
Cũng theo Nhà thơ Bằng Việt, ngoài việc đưa văn hóa thành nhiệm vụ đột phá, trong dự thảo Văn kiện nên làm sâu sắc hơn về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa như: xuất bản, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, thiết kế sáng tạo... “Chúng ta cần một chiến lược văn hóa đủ mạnh để mỗi người dân Hà Nội thấy được vinh dự khi sống trong Thủ đô và biết tận dụng, phát huy văn hóa đó thành sức mạnh lan tỏa cho toàn quốc” - Nhà thơ Bằng Việt bày tỏ.

Hà Nội: lấy ý kiến đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học vào dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố
Kinhtedothi - Sáng 18/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng uỷ, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn TP vào dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2025-2030.

Hà Nội thông qua phương hướng nhân sự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII
Kinhtedothi - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TU Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đưa VNPT trở thành doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực viễn thông ở Hà Nội
Kinhtedothi - Sáng 16/7, Đảng bộ VNPT Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.