Thể thao Việt Nam tổng tấn công vào Olympic 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua là ngày đặc biệt với đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28. Những thành viên xuất sắc nhất đã có cơ hội diện kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Sau đó, Bộ VHTT&DL đã tổ chức một buổi lễ mừng công hoành tráng dành cho những VĐV đã mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng, điều khiến dư luận quan tâm là sau SEA Games, thể thao Việt Nam sẽ làm cách nào để tiến vào Olympic 2016?

Đã có 4 suất đến Brazil

SEA Games 28 mang đến thành công trọn vẹn cho đoàn thể thao Việt Nam. Nó không chỉ thể hiện ở số huy chương vàng và vị trí thứ 3 mà thể thao Việt Nam giành được mà còn sớm giúp chúng ta giành vé đến sân chơi Olympic. Đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có 4 VĐV chính thức giành quyền tham dự Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil) gồm: Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng), VĐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên và mới nhất là Nguyễn Thị Huyền (VĐV điền kinh).
Thể thao Việt Nam tổng tấn công vào Olympic 2016 - Ảnh 1
Trong số những VĐV giành vé đến Brazil thì niềm tin rất lớn được dành cho Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh. Cách đây 4 năm, Hoàng Xuân Vinh đã tiệm cận với thành tích có thể giành huy chương tại Thế vận hội London 2012. Vậy nên, các nhà chuyên môn hy vọng rằng, bằng sự đầu tư nghiêm túc, Hoàng Xuân Vinh sẽ tỏa sáng trong kỳ Olympic cuối cùng của mình.

Bên cạnh đó, người ta cũng đặt niềm tin dành cho kình ngư trẻ Ánh Viên là rất lớn. Dù vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa thành tích của Ánh Viên với chuẩn huy chương tại Thế vận hội nhưng tất cả đều tin, bằng sự đầu tư trọng điểm thông qua chuyến tập huấn dài hạn và tốn kém tại Mỹ, mọi sự sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Mục tiêu dài hạn

Các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu, tại Thế vận hội Rio de Janeiro, Việt Nam sẽ có từ 10 - 15 VĐV tham dự. Từ nay cho đến ngày khai cuộc, các VĐV thuộc những nội dung trọng điểm sẽ phải chạy nước rút để đạt chuẩn Olympic. Những niềm hy vọng dự Olympic của thể thao Việt Nam đều đến từ những môn thể thao thuộc hệ thống Olympic như: điền kinh, bơi lội, TDDC, bắn súng, đua thuyền… Từ cách đây vài năm, khoảng 50 VĐV thuộc những môn thể thao trọng điểm đã được xác định nhằm đầu tư có chiều sâu để giành vé dự Olympic và gặt hái huy chương ASIAD. Có mặt trong nhóm những môn thể thao trọng điểm, các VĐV được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt cùng với việc thường xuyên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài nhằm cải thiện trình độ.

Ngành thể thao muốn thật sự cất cánh ở Olympic 2016, ít nhất là ở số lượng VĐV và môn thể thao được góp mặt. Nhưng, với dư luận, thì bên cạnh những mục tiêu trước mắt, thể thao Việt Nam cần đặt ra những lộ trình dài hạn. Nói cách khác, thành công ở SEA Games vừa qua là cơ hội để các nhà hoạch định chiến lược của thể thao Việt Nam có cho mình một nhận thức mới. Họ phát hiện ra rằng, thể thao Việt Nam vẫn có cửa giành huy chương ở những môn thể thao Olympic. Và hơn thế nữa, chẳng thể có thành công từ chiến lược đầu tư dàn trải, thiếu chiều sâu.

Vì vậy, bên cạnh việc dốc sức cho chiến dịch giành vé đến Olympic 2016, ngành thể thao ngay lập tức cần phải bắt tay vào việc xác lập một định hướng về đầu tư. Đã đến lúc các nhà chuyên môn phải xác lập cho được một bản đồ đầu tư cho hợp lý để vừa đảm bảo phát triển phong trào, vừa đảm bảo khả năng tranh chấp huy chương của đoàn thể thao Việt Nam.