70 năm giải phóng Thủ đô

Thêm 2 biến thể phụ của Omicron vào danh sách cần quan tâm

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực theo dõi các trường hợp Covid-19 mắc các biến thể phụ mới của Omicron, để đánh giá xem chúng có khả năng lây nhiễm cao hơn hay nguy hiểm hơn hay không.

Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ. Ảnh: Reuters
Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại Quảng trường Thời Đại, New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Ngày 11/4, WHO đã bổ sung BA.4 và BA.5 - các biến thể “chị em” của biến thể Omicron ban đầu, vào danh sách các biến thể cần theo dõi. Cơ quan y tế của Liên Hợp quốc đã bắt đầu theo dõi các biến thể phụ này bởi “những đột biến mới này cần được nghiên cứu sâu hơn để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng tránh hệ miễn dịch”.

Theo WHO, hiện mới chỉ có một số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 được thông báo cho cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh tuần trước cho biết, biến thể phụ BA.4 đã được phát hiện ở Nam Phi, Đan Mạch, Botswana, vùng Scotland và vùng England từ ngày 10/1-30/3/2022. Trong khi đó, cho tới tuần trước, toàn bộ các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 đều được phát hiện ở Nam Phi.

Trước đó, WHO đã theo dõi BA.1 và BA.2 - dòng phụ của Omicron hiện đã trở thành chủng virus thống trị ở 68 quốc gia, trong đó có Mỹ và một số nước châu Âu. Theo WHO, BA.2 hiện chiếm 94% ca nhiễm Omicron được tổ chức này ghi nhận trong tuần gần nhất. Tại Mỹ, BA.2 chiếm 72% ca mắc Covid-19 trong tuần qua.

Các nhà khoa học đã xác định BA.2 có rất nhiều đột biến. Biến chủng này còn được mệnh danh là “Omicron tàng hình”, bởi nó thiếu một đặc điểm di truyền của chủng Omicron gốc - điều từng giúp các nhà khoa học phân biệt được Omicron với Delta thông qua xét nghiệm PCR.

Một lý do khiến BA.2 nhanh chóng lan rộng bởi khả năng lây nhiễm mạnh hơn Omicron tới 30%. Trong một số trường hợp, các nghiên cứu cho thấy BA.2 lây cho cả người từng nhiễm Omicron, dù không gây bệnh lý nặng hơn. Theo AP, hiệu quả của các loại vaccine đối với BA.2 tương tự so với Omicron. Mũi tiêm tăng cường giúp tạo ra hệ miễn dịch mạnh hơn, ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong.

Dù đã có thêm nhiều hiểu biết về SARS-CoV-2, các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán chính xác sự xuất hiện các biến chủng mới sẽ ảnh hưởng tới chiều hướng dịch bệnh như thế nào. Tại một số nước ở châu Âu và châu Á, biến chủng BA.2 khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại. Nước tiếp theo trải qua kịch bản tương tự có thể là Mỹ - các nhà khoa học cảnh báo.

Đáng nói, BA.2 hiện lan rộng trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19. Người dân các nước cũng bắt đầu bỏ thói quen sử dụng khẩu trang và quay trở lại cuộc sống trước đây như du lịch, ăn uống trong nhà hàng, tham gia các sự kiện đông người.

Để đối phó với BA.2 cũng như các biến chủng lây lan mạnh khác trong tương lai, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. “Virus đang tiếp tục lây lan ngoài môi trường, vaccine vẫn là cách bảo vệ hữu hiệu nhất” - bác sĩ Wesley Long, nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Houston Methodist Texas, nói với AP - “Nếu bạn không còn đeo khẩu trang... giờ là lúc quay lại với biện pháp phòng ngừa này”.

Cũng trong ngày 11/4, Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, đã phát biểu về việc Covid-19 trở thành một “bệnh đặc hữu”: “Đặc hữu, theo một nghĩa nào đó, nghĩa là virus hiện diện và lây truyền ở các cấp độ thấp hơn, thường là với một số hình thức lây truyền theo mùa…”

Tuy nhiên, ông Ryan nhấn mạnh khi một căn bệnh trở thành đặc hữu, nó vẫn có thể gây ra các thiệt hại về người, và lấy dẫn chứng về bệnh sốt rét hay bệnh lao hiện đang lưu hành. Ông nói thêm rằng, không nên “đánh đồng đặc hữu với tốt”.

“Chúng ta cần kiểm soát bền vững đối với loại virus này. Chúng ta cần bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, cần hệ thống y tế mạnh mẽ để đối phó với những bệnh nhiễm trùng mà chúng ta không thể ngăn chặn” - chuyên gia hàng đầu của WHO nói.