Dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, tổng cộng 44,8 tỷ m3 đã được rút khỏi các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm (UGS) của châu Âu trong mùa Đông này. Theo Gazprom, trữ lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Ukraine cũng ở mức tối thiểu, đã giảm xuống 10,6 tỷ m3, tức là ít hơn 45% so với năm ngoái. Ngoài ra, vào đầu tuần này, các nhà chức trách ở Đức - quốc gia có một trong những kho chứa ngầm lớn nhất ở châu Âu - đã báo cáo sự sụt giảm về khối lượng dự trữ xuống mức thấp trong lịch sử so với những năm trước.
Theo Ủy ban Châu Âu (EC), cho đến gần đây, EU đã đáp ứng gần 1/4 nhu cầu tiêu thụ năng lượng bằng khí đốt, với 90% trong số đó được nhập khẩu. Khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu này là của Gazprom. Nguồn cung khí đốt của Nga cho các nước châu Âu đã bắt đầu giảm vào giữa năm 2021 và sự sụt giảm này tăng nhanh vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, Gazprom liên tục khẳng định họ vẫn đang cung cấp khí đốt cho châu Âu theo đúng các hợp đồng hiện có.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraine, phương Tây đặc biệt quan ngại về nguy cơ gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga đến lục địa này. Trong khi Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu thì Ukraine là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến EU. Mới đây, EU đã tuyên bố nguồn dự trữ khí đốt của họ đủ để kéo dài thêm vài tuần nữa trong trường hợp Nga ngừng vận chuyển dòng khí đốt, nhưng giới chức EU và Mỹ được cho vẫn đang rốt ráo tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Trong đó, một giải pháp ngắn hạn là nhập khẩu LNG từ các nước như Qatar và Mỹ.
Mỹ đã tăng đáng kể xuất khẩu LNG sang châu Âu trong những năm gần đây. Hãng IHS Markit của Anh ước tính, các tàu hàng của Mỹ đã vận chuyển khoảng 7,73 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu trong tháng 1/2022 trong khi Nga cung ứng khoảng 7,5 tỷ m3 qua các đường ống giữa nước này với lục địa già. Căng thẳng Nga - Ukraine đã giúp giá dầu thô tăng lên 94 - 95 USD/thùng, lập đỉnh trong vòng 7 năm. Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, nhận định Nga đã thành công trong việc “thổi” giá dầu thô và điều này ít nhiều đang làm lợi cho các công ty năng lượng Mỹ.
Giá khí đốt của châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái do nguồn cung thắt chặt cộng với nhu cầu tăng cao, hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự kiến vào ngày 2/3 tới, EC sẽ đề xuất các bước để làm cho hệ thống năng lượng của châu Âu trở nên linh hoạt hơn khi đối mặt với những cú sốc về nguồn cung hoặc giá tăng đột biến. “Ủy ban đề xuất yêu cầu pháp lý đối với các quốc gia thành viên để đảm bảo mức dự trữ tối thiểu trước ngày 30/9 hàng năm” - bản dự thảo tài liệu của Ủy ban cho biết.
EC thừa nhận, các công ty khó có thể tích trữ đủ lượng khí đốt chỉ dựa trên các ưu đãi của thị trường, vì giá khí đốt dự kiến sẽ vẫn ở mức cao ít nhất cho đến cuối năm nay. Đề xuất của Ủy ban, có thể thay đổi trước khi được công bố, kêu gọi các quốc gia đặt mức khí đốt tối thiểu cho các công ty sở hữu kho chứa trên lãnh thổ của họ.