Thêm biện pháp tình thế gỡ khó cho đăng kiểm

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự nỗ lực của các bộ ngành thời gian qua đã làm giảm nhiệt các trung tâm đăng kiểm, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để giải quyết ngay những điểm nóng đăng kiểm cũng cần có thêm nhiều biện pháp tình thế.

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Chỉ ít ngày sau khi Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực thi hành. Nhiều khó khăn trong công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đã được tháo gỡ. Thông tư được nhiều người dân đồng thuận.

Thông tư mới sửa đổi, xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ sẽ miễn kiểm định và được cấp tem, giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng. Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng…

Thêm biện pháp tình thế gỡ khó cho đăng kiểm - Ảnh 1
Tình hình đăng kiểm đã giảm nhiệt, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thông tư mới cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Theo số liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu áp dụng theo quy định này, năm 2023 có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Bên cạnh đó, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 khoảng 3.073.629 xe”.

Quy định mới ngay lập tức được áp dụng, tháo gỡ nhiều khó khăn trong lúc tình hình đăng kiểm rối ren. Các trung tâm đăng kiểm đã giảm nhiệt.

Anh Lê Bá Tùng, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi mới mua xe, chỉ phải đến trung tâm lấy tem đăng kiểm, không phải khám xe. Đến khoảng 30 phút là xong thủ tủng, rất thuận lợi”.

Anh Nguyễn Văn Hà trú tại Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đi đăng kiểm xe cho công ty, sau khi thông tư mới được thực thi, tình trạng phương tiện đến các trung tâm đăng kiểm giảm rõ rệt. Chỉ cần xếp hàng 1 ngày thay vì 3 ngày như hồi đầu tháng 3”.

Anh Nguyễn Văn Hà cho rằng việc áp dụng thông tư Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT đã khiến việc đăng kiểm của người dân thuận tiện hơn rất nhiều.

Nhân lực đăng kiểm vẫn khan hiếm

Mặc dù tình hình đăng kiểm đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tài xế đi đăng kiểm vẫn phải chờ đợi hoặc xếp phiếu 2 đến 3 ngày. Lý do được Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra là, nhiều trung tâm kiểm định xe cơ giới vẫn còn thiếu không ít nhân sự làm việc.  

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác nhân sự. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam gấp rút soạn thảo.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất sửa đổi cho phép người có trình độ cao đẳng kỹ thuật cơ khí hoặc trung cấp nhưng có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, có thời gian thực tập nghiệp vụ, được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.

Trong khi trước đây, Nghị định 139 bắt buộc đăng kiểm viên phải có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Ngoài ra phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên, sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường.

Đối với đăng kiểm viên bậc cao thì ngoài trình độ trên còn phải có kinh nghiệm là đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những biện pháp lâu dài cũng cần có giải pháp tức thời giải quyết những khó khăn như hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực thi hành, về lâu dài sẽ giảm thiểu hàng triệu phương tiện phải đi đăng kiểm. Tuy nhiên, phương tiện đã mua trước khi thông tư sửa đổi ra đời, vẫn phải đi đăng kiểm theo tem kiểm định. Do vậy lượng phương tiện đi đăng kiểm vẫn chưa giảm nhiều ngay lập tức”.

Theo thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương, cần có thêm nhiều biện pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn về nhân lực trong thời điểm hiện tại.

“Nghề đăng kiểm là dịch vụ kỹ thuật. Những kỹ sư tốt nghiệp lâu năm, đã từng làm ở các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có kinh nghiệm có đủ điều kiện tuyển dụng, rút ngắn thời gian thực tập hoàn toàn có thể thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới. Mỗi dây truyền đăng kiểm cũng có thể giảm tối thiểu một đăng kiểm, thay vì 3 người/dây chuyền như hiện nay” – thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, có thể thay đổi việc kiểm định không giới hạn công suất trên mỗi dây chuyền, thay vì dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày như hiện nay.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong tháng 3, Hà Nội có 75.682 phương tiện đến hạn đăng kiểm. Đáng lo ngại hơn, trong những tháng tiếp theo, lượng phương tiện đến hạn đăng kiểm không ngừng tăng cao. Cụ thể, tháng 4 Hà Nội sẽ có 83.728 phương tiện đến hạn đăng kiểm, tháng 5 là 86.044 phương tiện, cao nhất trong năm là tháng 6 với 92.098 phương tiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần