70 năm giải phóng Thủ đô

Thêm cơ hội cho rau an toàn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 3/10, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức dán tem nhận diện rau an toàn (RAT) cho sản phẩm RAT xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì. Cùng với Duyên Hà, từ nay đến hết năm 2012, toàn thành phố sẽ có 29 điểm, cơ sở sản xuất RAT được dán nhãn nhận diện sản phẩm. Đây là cơ hội lớn để các vùng sản xuất RAT tháo gỡ khó khăn về đầu ra.

Gỡ đầu ra cho RAT
 
Có mặt từ rất sớm để thu hoạch và chờ dán những chiếc tem đầu tiên cho sản phẩm rau của gia đình, anh Đặng Văn Thành, thôn Đại Lan, xã Duyên Hà phấn khởi cho biết, đã nhận được vài đơn hàng ngay từ sáng 3/10. Với diện tích 1,5 mẫu trồng các loại rau cải ngọt, bắp cải, cà chua, đậu đũa... việc tìm đầu ra cho sản phẩm của gia đình anh Thành rất khó khăn.
 
"Nếu được dãn nhãn nhận diện RAT, người tiêu dùng yên tâm hơn và đầu ra của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn" - anh Thành chia sẻ.  Toàn HTX Đại Lan có 52,7ha trồng rau với sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Hiện, bình quân sản lượng rau của HTX đạt 5 - 7 tấn/ngày, giá bán trung bình 6.000 - 8.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho các công ty, cửa hàng, đơn vị trên địa bàn và các chợ đầu mối.
 
Thêm cơ hội cho rau an toàn - Ảnh 1
 
Dán tem nhận diện rau an toàn cho sản phẩm rau xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì.  Ảnh: Văn Thắng
 
Ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan cho biết, lâu nay nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng về chất lượng rau và không phân biệt được RAT và rau thông thường. Do đó, việc dán tem nhận diện RAT tạo thuận lợi cho cả người tiêu dùng và các hộ sản xuất.Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, năm 2012, Chi cục đã phối hợp với các địa phương rà soát, định vị được 3.800ha RAT, phân bố ở 93 xã trọng điểm.
 
Tính đến tháng 9/2012, toàn thành phố đã có 25 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với diện tích 1.652ha, trong đó có 9 dự án đã được phê duyệt đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã hình thành mạng lưới gồm 35 siêu thị và 52 cửa hàng RAT.
 
Quản lý chặt tem nhãn
 
Tham gia chương trình dán nhãn nhận diện RAT, mỗi cơ sở, doanh nghiệp, HTX được cấp 1 mã số mã hóa tên cơ sở và một dấu khắc mã số để dập lên tem nhận diện hàng ngày.
 
Tem được dán vào từng bao, gói, mớ rau trước khi bán ra thị trường, cả bán buôn và bán lẻ. Theo kế hoạch từ tháng 9 - 12/2012, Chi cục BVTV Hà Nội sẽ triển khai dán tem nhận diện RAT tại 29 cơ sở, HTX sản xuất RAT tại các huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức...
 
Để nâng cao hiệu quả sản xuất RAT, nhiều nông dân kiến nghị, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ đầu vào, đầu ra và quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV), đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tăng cường gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất và đẩy mạnh giám sát cộng đồng về chất lượng RAT.
 
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, để đảm bảo uy tín cho các cơ sở sản xuất và giữ niềm tin của người tiêu dùng, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tem, tránh thất thoát ra bên ngoài.Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cũng khẳng định, việc gắn tem nhận diện RAT chính là gắn trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất.
 
Hiện nay, toàn thành phố có 56 điểm sản xuất RAT với diện tích 3.800ha, sản lượng 280.000 tấn/năm. Nếu dán tem hết diện tích này cần 200 - 250 triệu con tem và nếu dán toàn bộ diện tích RAT của thành phố cần 1 tỷ con tem mỗi năm. Do đó, ông Vân đề nghị Chi cục BVTV Hà Nội quản chặt nguồn tem, xuất cho đơn vị nào phải cập nhật từng ngày. Dự kiến, Sở NN&PTNT sẽ đề nghị UBND TP chỉ định cơ quan in ấn, ngăn chặn tình trạng làm giả tem.q

Diện tích gieo trồng rau của thành phố hiện khoảng 29.000ha/năm, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với trên 40 chủng loại rau. Năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm, mới đáp ứng được 60% nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô.