Thêm cơ hội mua nhà ở xã hội

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi tiếp thu góp ý từ cộng đồng, Bộ Xây dựng đã thống nhất bỏ tiêu chí về hộ khẩu thường trú khi mua nhà ở xã hội (NƠXH) tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo đánh giá, nội dung này là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp thêm cơ hội tiếp cận với nhà ở.

Nhiều trở ngại

Anh Lê Viết Sơn (hộ khẩu thường trú tại xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) công tác trong lực lượng Công an Nhân dân mới chuyển công tác ra Hà Nội được gần 1 năm, cùng vợ và 2 con nhỏ. Thời gian qua, gia đình anh đã làm hồ sơ để đăng ký mua NƠXH nhưng không được xét duyệt do không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về đối tượng được mua NƠXH theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014.

Nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Hải Linh
Nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Hải Linh

“Tiêu chí về mức thu nhập và chưa sở hữu nhà ở thì tôi đủ điều kiện. Nhưng do hộ khẩu của tôi vẫn ở tỉnh Thanh Hóa, trong khi luật lại quy định phải có hộ khẩu thường trú tại nơi xây dựng dự án NƠXH nên hồ sơ đăng ký mua nhà của tôi không đủ điều kiện. Trong khi việc chuyển hộ khẩu từ các tỉnh ra Hà Nội không đơn giản. Tôi thấy quy định về tiêu chí về hộ khẩu thường trú gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân” – anh Sơn chia sẻ.

Theo luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam, căn cứ theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê mua NƠXH phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí (cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở). Cụ thể, khoản 1 Điều 50 quy định đối tượng phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê mua NƠXH, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập; phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi xây dựng NƠXH.

Trường hợp không có đăng ký thường trú thì đăng ký tạm trú phải từ một năm trở lên. Ngoài ra phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng)... “Với quy định như trên không chỉ gây khó khăn cho người có nhu cầu mua NƠXH, mà còn phát sinh thêm thủ tục hành chính và những tiêu cực “xin – cho” từ phía cơ quan chức năng trong quá trình xác nhận hồ sơ đăng ký mua nhà” – luật sư Trịnh Hữu Đức nhìn nhận.

Đối với vấn đề về thu nhập, luật sư Trịnh Hữu Đức cho rằng, một gia đình có 2 con nhỏ, nếu tổng thu nhập của vợ chồng dưới 20 triệu đồng/tháng thì gần như không dám nghĩ đến khả năng mua NƠXH. Bởi nếu phải vay ngân hàng từ 70 – 80% giá trị nhà, mỗi tháng cả tiền gốc, lãi phải trả xấp xỉ 10 triệu đồng.

“Như vậy, nếu thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng thì mỗi gia đình đã phải mất gần một nửa thu nhập để trả tiền nhà rồi, còn lại vẫn phải có khoản để chi tiêu sinh hoạt, đi lại, học tập... Tôi cho rằng, quy định 11 triệu đồng/tháng mới đáp ứng tiêu chí về thu nhập để mua NƠXH cũng gây ra nhiều khó khăn” – luật sư Trình Hữu Đức phân tích.

Tránh để trục lợi chính sách

Trước thực trạng vướng mắc của người dân về các tiêu chí trong quá trình đăng ký mua NƠXH và những đóng góp ý kiến từ phía chuyên gia, DN, Bộ Xây dựng – cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo luật đã sửa đổi một số quy định. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới, gồm 8 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách quan trọng về NƠXH.

Về điều kiện đối tượng được mua, thuê mua NƠXH, Luật Nhà ở hiện hành quy định 3 tiêu chí: cư trú (có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại nơi xây dựng dự án); thu nhập (ở dưới mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân); diện tích nhà ở (chưa sở hữu nhà ở hoặc đang sở hữu nhưng diện tích dưới 10m2/người).

“Trước thực trạng đó, bộ phận soạn thảo đề xuất bỏ yêu cầu về cư trú, bởi đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở; tiêu chí về mức thu nhập cũng sẽ được nâng cao. Ngoài ra, diện tích nhà ở bình quân sẽ xem xét nâng lên 15m2/người, thay vì 10m2/người trước đây. Với những nội dung mới này, thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp ở đô thị và cán bộ, công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Đánh giá về nội dung sửa đổi trên, theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên cơ chế cởi mở bao nhiêu thì sẽ có thêm nhiều tác động tích cực. Việc bỏ quy định tiêu chí về hộ khẩu khi mua NƠXH là cần thiết. Vì trước hết, NƠXH là chủ trương mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp, người nghèo và đối tượng chính sách, đây là nhóm người yếu thế trong xã hội, càng hỗ trợ được họ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Trong khi đó đối với người dân, công việc phù hợp ở đâu thì họ sẽ sinh sống ở nơi đó, nên về bản chất việc khống chế về hộ khẩu không còn giá trị nữa. Trước đây, khi chưa số hóa thì mức độ quản lý còn thấp nên vẫn phải quản lý bằng sổ hộ khẩu. Nhưng hiện nay đã số hóa dữ liệu dân cư, cho dù công dân sinh sống ở đâu thì vẫn có thể quản lý qua hệ thống phần mềm.

“Việc Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bỏ quy định bắt buộc phải có hộ khẩu ở nơi xây dựng dự án NƠXH thì mới đủ điều kiện để mua, thuê mua là cần thiết và đúng với tình hình hiện tại. Điều này cho thấy rằng, tư duy trong góc độ quản lý của các nhà quản lý đã có sự thay đổi lớn” – ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp cũng cho rằng, 2 tiêu chí còn lại (thu nhập và diện tích nhà ở) vẫn cần phải được quy định trong luật. Bởi nếu không đưa vào luật thì sẽ không xác định được đối tượng ưu tiên về NƠXH, lúc đó sẽ càng gây khó khăn thêm cho công tác quản lý, tạo kẽ hở cho những đối tượng trục lợi chính sách, đầu cơ, khiến người thu nhập thấp mất đi cơ hội sở hữu nhà ở.

Đối với lo ngại về việc bỏ quy định về hộ khẩu thường trú khi đăng ký mua, thuê mua NƠXH sẽ khiến cho dân số ở các đô thị gia tăng đột biến, hạ tầng vốn đã chịu quá tải nay càng thêm áp lực, vị chuyên gia này cho rằng không quá lo ngại, vì câu chuyện di dân phải gắn với việc làm. Người lao động thời vụ chắc chắn không có nhu cầu sở hữu nhà ở, chỉ những người di dân mà việc làm cố định thì mới có nhu cầu. Vấn đề này sẽ được giải quyết và chọn lọc một cách tự nhiên thông qua quá trình phân bổ việc làm.

 

Trên thực tế, một số đối tượng như người có công với cách mạng, không thực sự mặn mà với NƠXH. Trong khi đó, một số đối tượng nhu cầu rất cao về NƠXH thì chưa được quy định, nên cần xem xét để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách NƠXH. Bên cạnh đó, cần bỏ quy định yêu cầu người mua NƠXH không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, bởi quy định này phức tạp, gây ra nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến người dân.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực

Nếu nới điều kiện mua NƠXH thì cần nới quy định về thu nhập, từ 11 triệu đồng/tháng trước đây lên 15 triệu đồng/tháng để người có nhu cầu thêm cơ hội mua nhà, không phải lo “lách” luật. Việc này còn để những người thu nhập thấp, chưa có nhà ở thêm cơ hội được sở hữu NƠXH.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hữu Nghĩa