Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm giải pháp công nghệ chống thấm cho nhà máy thủy điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng và thủy công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến” là chủ đề của Hội thảo tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội.

Hội thảo do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (EVNPECC1) và Tập đoàn MC-Bauchemie (Đức) tổ chức.

Thực nghiệm giới thiệu sản phẩm mẫu tại hội trường Hội thảo do chuyên gia MC - Bauchemie thực hiện.
Thực nghiệm giới thiệu sản phẩm mẫu tại hội trường Hội thảo do chuyên gia MC - Bauchemie thực hiện.

Tại Hội thảo các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, đồng thời giới thiệu những giải pháp tiên tiến, cũng như công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xử lý chống thấm, gia cố các hạng mục bê tông, nền đất yếu cho các nhà máy điện trong giai đoạn vận hành nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ công trình.

Trong bối cảnh hệ thống điện Việt Nam những năm gần đây, nhiều nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như điện mặt trời, điện gió… được đưa vào vận hành, tạo ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống (do đặc tính không ổn định), thì thủy điện với khả năng tham gia phủ đỉnh biểu đồ phụ tải cũng như hỗ trợ điều tần một cách nhanh nhất vẫn là một trong những nguồn phát giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam.

Đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống điện của Việt Nam đạt 76.620MW, trong đó riêng thủy điện chiếm 28,5% công suất lắp đặt. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có 466 công trình thủy điện đã đi vào vận hành. Trong đó có trên 350 đập bê tông trọng lực, số đập bê tông có thông tin về chiều cao trên 15m là gần 250 đập.

Tổng Giám đốc EVNPECC1 Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết, nhiều công trình trong số này xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, thể hiện qua các hiện tương nứt kết cấu bê tông thân đập trọng lực và tràn, thấm ở thân đập trọng lực và nền đập. Một số kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trên tuyến năng lượng như áo đường hầm, kênh hộp dẫn nước có áp, tháp điều áp hay nhà máy cũng có hiện tượng thấm và nứt.

Hiện tượng nứt và thấm có khả năng làm giảm tuổi thọ của công trình, trong trường hợp cực đoan có thể ảnh hưởng tới an toàn công trình. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác duy tu, bảo dưỡng để nâng cao an toàn công trình, tránh các tác động tiêu cực về xã hội.

Tại Hội thảo, chuyên gia kỹ thuật Tập đoàn MC-Bauchemie Thengil Sumesh Sreedhar trình bày về giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng và thuỷ công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến. Đồng thời, các chuyên gia Tập đoàn MC-Bauchemie giải đáp cụ thể những ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia tại hội thảo.