Cùng với gói hỗ trợ, cần có thêm những giải pháp khác, đồng bộ và bao phủ mọi đối tượng, mọi phân khúc của thị trường BĐS.
Khu đô thị mới Mỗ Lao, quận Hà Đông. Ảnh: Quỳnh Linh
Gói hỗ trợ triển khai còn "ì ạch"
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã triển khai được hơn một tháng, nhưng rất ít người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận được nguồn vốn này. Bên cạnh những khó khăn về thủ tục giấy tờ, hành chính thì nguồn cung phân khúc này chưa có nhiều. Muốn có sản phẩm nhà ở xã hội, nhà diện tích nhỏ, đáp ứng nhu cầu và theo kịp chính sách, nhanh nhất cũng phải mất thời gian từ 6 tháng - 1 năm. Mà phải có nhà, có dự án thì người dân mới có cái để mua, để vay; còn ngân hàng cũng mới có đủ điều kiện để giải ngân.
Về phía các doanh nghiệp, với các đơn vị có kinh nghiệm, có quỹ đất sạch, đáp ứng được các tiêu chí để phát triển nhà ở xã hội, hiện không nhiều. Có chăng chỉ là các doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án thương mại. Các doanh nghiệp này muốn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cũng mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Khá nhiều nguyên nhân tạo nên "độ vênh" giữa cung và cầu khiến cho gói hỗ trợ chưa thực sự phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Nhiều bất cập trong quá trình triển khai trên thực tế đã được phản ánh để các bộ, ngành xử lý và đưa ra hướng dẫn để tiếp tục triển khai.
Trong khi gói hỗ trợ còn đang "ì ạch" đi vào cuộc sống, lượng hàng tồn trên thực tế chưa giải quyết được bao nhiêu. Các dự án dở dang của những chủ đầu tư "sức tàn, lực kiệt" vẫn đang "trơ gan cùng tuế nguyệt". Bởi thế, bên cạnh việc đợi kết quả từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, thị trường BĐS cần được triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khác. Đơn cử như cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy thị trường nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đây là bài toán rất đáng được lưu tâm, khuyến khích giải quyết vì điều kiện giao dịch, mua bán nhà ở thương mại thuận lợi hơn nhà ở xã hội rất nhiều.
Mở rộng đối tượng, tạo thêm kênh
Cũng có thể giải quyết hàng tồn kho BĐS bằng cách tạo dựng, thành lập những đơn vị chuyên mua lại các sản phẩm BĐS hoặc khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân có nguồn tiền nhàn rỗi mua nhà, phát triển hoạt động kinh doanh cho người trong nước và nước ngoài thuê, thuê mua lại. Thậm chí, cho đối tượng này vay mua nhà với lãi suất thấp, dài hạn để phát triển hoạt động kinh doanh cho thuê.
Với những người có khoản đầu tư tương đối lớn, Nhà nước cũng nên mở van tín dụng cho vay 20 - 30% thậm chí là 50% giá trị hợp đồng, để họ cố gắng mua sản phẩm BĐS này ở hoặc cho thuê. Đó là giải pháp có thể thực hiện được ngay.
Cũng giải pháp tín dụng, để bền vững và lâu dài cần phải nghiên cứu cho tất cả các đối tượng, loại hình nhà diện tích lớn nhỏ đều được vay. Vay theo hạn mức, phần trăm giá trị hợp đồng. Nếu làm và quản lý được thì thanh khoản của thị trường BĐS sẽ thay đổi. Thậm chí, các ngân hàng có thể đứng ra mua và hoàn chỉnh các sản phẩm mà doanh nghiệp xây dựng dở dang. Bởi thực tế, các sản phẩm hoàn chỉnh vẫn có thanh khoản rất tốt trên thị trường. Mặt khác, khi ngân hàng đứng ra mua, hoàn chỉnh các sản phẩm BĐS, ngoài việc được hưởng gói hỗ trợ vay, lãi suất từ chính ngân hàng đó thì người mua cũng yên tâm hơn về năng lực chủ đầu tư, tiến độ công trình và giá cả.
Song song với đó, Nhà nước cũng nên triển khai mạnh chính sách mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư. Tạo nên sự linh hoạt trong cách thức hỗ trợ, đền bù GPMB, giới thiệu cho người dân mua nhà chung cư thương mại. Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân phải GPMB bằng các chính sách giá cả, thuế, phí hợp lý… khi mua nhà ở thương mại. Nếu cầu nối giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân được liên thông và hỗ trợ bằng các chính sách đồng bộ, nhất quán, hàng tồn kho sẽ có thêm kênh giải cứu hữu hiệu, tạo điều kiện để thị trường BĐS nhanh chóng hồi phục.