Trao đổi với báo giới hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định 50 nhà lãnh đạo quốc phòng trên khắp thế giới đã gặp gỡ cùng ngày và nhất trí gửi thêm lượng lớn vũ khí tiên tiến tới Ukraine, bao gồm bệ phóng Harpoon và tên lửa để bảo vệ bờ biển của nước này.
Trong khi đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói rằng cuộc thảo luận "cấp thấp" đang được tiến hành về khả năng Mỹ điều chỉnh việc huấn luyện các lực lượng Ukraine và liệu một số binh sĩ Mỹ có nên đóng tại Ukraine.
Mỹ đã rút một phần lực lượng tại Ukraine trước chiến sự và không có kế hoạch gửi lực lượng tham chiến. Bình luận của Tướng Milley, mặt khác để ngỏ khả năng quân đội có thể quay trở lại để đảm bảo an ninh cho đại sứ quán hoặc một vai trò phi chiến đấu khác.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã mở cửa trở lại một phần và tăng dần nhân sự.
Khi được hỏi liệu các lực lượng hoạt động đặc biệt của Mỹ có khả năng tiến vào Ukraine hay không, ông Milley trả lời: “bất kỳ sự tái can thiệp nào của lực lượng Mỹ vào Ukraine đều cần có quyết định của tổng thống".
Trao đổi với phóng viên tại Lầu Năm Góc, ông Austin từ chối tiết lộ khả năng Mỹ gửi cho Ukraine các bệ phóng tên lửa di động công nghệ cao theo yêu cầu của Kyiv. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, khoảng 20 quốc gia hôm 23/5 đã thông báo sẽ gửi các gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đạt đến mốc ba tháng.
Đặc biệt, ông nói rằng Đan Mạch đã đồng ý gửi một bệ phóng Harpoon và tên lửa đến Ukraine để giúp Ukraine bảo vệ bờ biển. Nga có các tàu ở Biển Đen và đã sử dụng để phóng tên lửa hành trình vào Ukraine. Các tàu của Nga cũng đã ngăn chặn mọi hoạt động lưu thông của tàu thương mại vào các cảng của Ukraine.
Ông Austin cũng cho biết thêm, Cộng hòa Séc gần đây đã tài trợ trực thăng tấn công, xe tăng và tên lửa, trong khi Italia, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan đã công bố các khoản tài trợ mới gồm các hệ thống pháo và đạn dược.