Theo dòng thể thao: Người Thái dửng dưng với “ao làng”?

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - SEA Games 2017 chưa bắt đầu nhưng những tranh cãi đã nổ ra và chưa có dấu hiệu được tháo gỡ dù Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Đông Nam Á (AFF) đã nhóm họp tại Việt Nam mới đây.

Mơ ước về một SEA Games công bằng, cao thượng để tạo động lực cho bóng đá khu vực phát triển vẫn chưa thành hiện thực khi các nền bóng đá vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Trong phiên họp của AFF mới đây, với tư cách là chủ nhà, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã kịch liệt phản đối Malaysia về đề xuất kỳ quái, chưa từng có trong lịch sử bóng đá nhân loại là… tự chọn bảng đấu tại SEA Games 2017. Theo đó, Malaysia đã cho mình quyền lựa chọn vào bảng đấu phù hợp nhất nhằm có được lợi thế cao nhất trong cuộc chạy đua giành tấm vé đến bán kết. Phản ứng gay gắt của VFF nhận được sự ủng hộ của một số LĐBĐ thành viên của AFF. Theo đó, quan điểm của các bên phản đối là việc làm của Malaysia đi ngược với luật lệ chung và nó làm xấu hình ảnh của SEA Games, đồng thời tạo ra sự không công bằng trong sân chơi.

Vậy nhưng, trước phản ứng của AFF, nước chủ nhà Malaysia đã đưa ra một loạt sự giải thích. Họ cũng đưa ra những phương án khác nhằm xoa dịu sự bức xúc từ các đối tác. Nhưng, khi những phương án này không thể làm hài lòng các thành viên của AFF thì nước chủ nhà Malaysia nói thẳng là thể lệ bốc thăm mà họ đưa ra không gì khác là nhằm giúp tránh được U22 Thái Lan ở vòng đấu bảng. Cách biện giải này khiến các thành viên AFF bật cười nhưng phía Malaysia không đảm bảo rằng họ sẽ thay đổi thể lệ trước sự phản ứng của cả khu vực.

AFF phản ứng chủ nhà SEA Games. Thế nhưng, sự phản ứng ấy không đủ lớn để buộc LĐBĐ Malaysia thay đổi quan điểm của mình. AFF chỉ đưa ra một giải pháp nước đôi là yêu cầu các LĐBĐ quốc gia kiến nghị lên Ủy ban Olympic để có quan điểm chính thức trong phiên họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, cơ quan có tiếng nói rất quan trọng với chương trình thi đấu của SEA Games. Có thể hiểu là nỗ lực của VFF đã không thu được kết quả như mong muốn bởi AFF đang chịu sự điều hành từ những người Malaysia đang ngồi ghế Chủ tịch cũng như Tổng Thư ký.

VFF phản ứng. Một số LĐBĐ cũng lên tiếng bất bình với LĐBĐ Malaysia. Thế nhưng, đội bóng có tầm ảnh hưởng lớn nhất khu vực là Thái Lan lại im lặng. Họ không cuốn theo cuộc cãi vã với nước chủ nhà SEA Games dù quyền lợi đang bị ảnh hưởng. Thế nhưng, không phải vì Thái Lan không biết bảo vệ quyền lợi của mình mà họ cho rằng, những tiểu xảo về kỹ thuật bốc thăm không thể thay đổi được cán cân quyền lực. Hay nói cách khác, họ không coi các đội bóng trong khu vực là đối thủ và muốn lên ngôi vô địch, U22 Thái Lan phải đánh bại được mọi đối thủ.

Trong khi phía Malaysia muốn tránh Thái Lan, các đội tuyển trong khu vực ngại phải rơi vào bảng đấu tử thần có đội bóng số 1 Đông Nam Á thì có một diễn biến bất ngờ khác nơi thượng tầng AFF. Đó là LĐBĐ Thái Lan đã chính thức thay thế Malaysia làm đầu mối dẫn dắt bóng đá khu vực trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World 2034. Theo đó, Thái Lan sẽ vận động để FIFA ủng hộ cả khu vực Đông Nam Á đăng cai sân chơi lớn nhất thế giới.

Vậy mới nói, trong khi AFF, các nước trong khu vực đang cạnh tranh để làm sao có được tấm vé đến bán kết SEA Games thì người Thái đã nghĩ đến những mục tiêu cao hơn và xa hơn, đó là World Cup. Cách tiếp cận vấn đề rất khác ấy cho thấy một tầm tư duy khác và đó chính là cơ sở để tạo ra sự khác biệt giữa Thái Lan và phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á.