70 năm giải phóng Thủ đô

Thép Việt chủ động ứng phó các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 năm qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngành thép Việt Nam vẫn tăng trưởng. Tính đến hết tháng 10/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 6,5 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài các thị trường truyền thống, thép Việt Nam đã có mặt tại các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ…

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng hơn 20%năm, trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm 12%/năm. Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Thép Việt Nam đã có mặt tại các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ.
Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), từ năm 2004 đến tháng 10/2021, thép xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với 66 vụ việc PVTM, nhiều vụ việc thép bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế suất áp dụng rất cao. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra PVTM do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh...
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa đánh giá, khi thép Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên việc đối mặt với các vụ kiện PVTM là điều không tránh khỏi. Khi đối mặt với các vụ kiện, các doanh nghiệp thép gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do nhận thức về PVTM còn hạn chế; năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp này của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ... Tuy nhiên, tình trạng này đã dần được cải thiện trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm trước các vụ điều tra PVTM; một số doanh nghiệp đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với biện pháp PVTM.
Theo nhận định của Cục PVTM (Bộ Công Thương), trong thời gian tới, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu, rộng vào các FTA, các vụ kiện PVTM đối với mặt hàng thép sẽ rất lớn do xu thế bảo hộ gia tăng. Nếu thép Việt bị áp thuế cao, sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu. Do đó các doanh nghiệp sản xuất thép cần chuẩn bị và có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, phân tán rủi ro.
Theo Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Phạm Châu Giang, hiện PVTM được xác định là yếu tố tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, khi bị điều tra, các hiệp hội, doanh nghiệp cần bình tĩnh, ứng phó hiệu quả, để nếu bị áp thuế cũng không cản trở quá nhiều đến tăng trưởng xuất khẩu. Đây cũng là hướng ưu tiên để Bộ Công Thương thiết kế các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước xu thế áp dụng PVTM. Bộ Công Thương đang duy trì hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc PVTM. Khi nhận được thông tin cảnh báo tương đối rõ ràng, Bộ sẽ liên hệ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn, để trao đổi thông tin và thảo luận chiến lược ứng phó kịp thời.