Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí điểm cấp thị thực điện tử: Cú hích thu hút khách quốc tế

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (E-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời hạn 2 năm, áp dụng từ 1/2/2017. Đây được xem là cú hích thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Thủ tục nhanh gọn
Theo Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, E-visa có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí qua tài khoản ngân hàng, và sẽ không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp E-visa. Thời gian cấp visa điện tử được tiến hành trong vòng 3 ngày, người nước ngoài phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
 Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel Nguyễn Hồng Đài cho rằng: Việc thí điểm cấp E-visa có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Bởi DN du lịch và du khách chưa chắc đã cần miễn phí visa mà quan trọng hơn là thủ tục được giải quyết nhanh gọn. “Thực tế, để làm được visa, điều du khách cảm thấy phiền toái nhất không phải chuyện nộp phí mà vì phải trải qua nhiều thủ tục, từ công ty nọ sang cơ quan kia. Trong khi đó, visa điện tử sẽ giúp rút ngắn được nhiều công đoạn, giảm nhiều thủ tục và thời gian cho các du khách” - ông Đài phân tích.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Lê Công Năng cho rằng, việc cấp E-visa là xu hướng toàn cầu chung nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh giữa các quốc gia. Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch thông tin và tài chính, dễ dàng quản lý… và tạo điều kiện nhập cảnh thuận lợi cho khách du lịch. Ông Năng cho hay: “Trên thực tế, E-visa đã được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến Ấn Độ. Áp dụng từ tháng 11/2014, Bộ Du lịch nước này đã công bố lượng khách đăng ký E-visa tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước khi áp dụng thị thực điện tử. Tính đến nay, nước này đã mở rộng cơ chế E-visa từ 43 nước lên 150 quốc gia”. Mặt khác, theo báo cáo năm 2014 của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh số lượng khách du lịch từ 8 - 18% nếu tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực. Do đó, việc áp dụng E-visa là rất cần thiết.
Từng bước tháo gỡ 3 rào cản
Để triển khai E-visa đạt hiệu quả, ông Năng cho rằng: “Từ nay đến tháng 2/2017, các cơ quan, đơn vị liên quan cần chuẩn bị đủ nguồn lực, thiết bị, tránh tình trạng tắc nghẽn và để khách chờ đợi lâu mới được thông quan. Bởi áp dụng cấp E-visa thường kéo theo lượng khách đăng ký tăng gấp nhiều lần so với thị thực thông thường”.
Đồng thời, Vietrantour cũng đề xuất, các hãng hàng không quốc gia và quốc tế đang khai thác chặng bay đến Việt Nam cần được tuyên truyền về thủ tục E-visa. Sau đó, yêu cầu tiếp viên hàng không hướng dẫn hành khách những thủ tục cần thiết để hoàn thành nhanh thủ tục nhập cảnh. Ngoài ra, giới chuyên môn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần tham mưu cho Chính phủ mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực đến Việt Nam và tại điểm đến cụ thể. Cùng với đó, cải tiến quy trình cấp thị thực tại cửa khẩu theo hướng dễ dàng, minh bạch, rõ ràng và nhất quán; xem xét lại quy định cấm du khách được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày mà không có một thị thực hợp lệ. Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh để thu hút khách du lịch và phát triển như một trung tâm trung chuyển trong khu vực.
Muốn lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, song song với visa điện tử, chúng ta cần từng bước tháo gỡ 3 rào cản: Các thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, giao thông và thông tin về điểm đến. Đây là những yếu tố có tác động mạnh đến việc thu hút du khách quốc tế mà bất cứ quốc gia nào cũng xem trọng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam
Phùng Quang Thắng