Các đối tượng chính sách nhận tiền qua tài khoản
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chi trả chính sách ASXH vẫn cơ bản bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ công. Chậm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành chính sách dẫn đến việc theo dõi, quản lý, chi trả cho các đối tượng chưa thống nhất, đồng bộ theo thời gian giữa T.Ư và địa phương; việc chi trả cho các đối tượng vẫn còn tình trạng chậm, trùng lĩnh đối tượng.
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt.
“Để tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách ASXH, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước” - Thủ tướng nhấn mạnh trong Chỉ thị số 21/CT-TTg.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách ASXH, kết nối, chia sẻ dữ liệu ASXH với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).
Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, đoàn thể chỉ đạo Tổ công tác triển khai Đề án 06 ở cấp xã, cấp huyện rà soát, lập danh sách theo nhóm các đối tượng; đối soát, xác thực danh sách đối tượng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 2023. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH ngay trong năm 2022.
Cần có nghiên cứu cách làm phù hợp
Các chuyên gia lao động, đối tượng chính sách ASXH cho rằng, thúc đẩy chi trả ASXH không dùng tiền mặt có thuận lợi là giảm chi phí hành chính cho việc chi trả và giảm đáng kể lượng tiền mặt trong chi trả cho các đối tượng.
Anh Phạm Hoàng Lan đang sinh sống tại Tổ dân phố 20, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Tôi bị khuyết tật nặng nên đi lại khó khăn. Hằng tháng, tôi thường đến UBND phường Khương Đình để nhận trợ cấp 660.000 đồng tiền mặt. Nhưng hiện nay theo phổ biến của các đơn vị chi trả ASXH, có thể tôi sẽ mở một tài khoản để dùng khoản kinh phí trợ cấp đóng tiền điện, nước"…
Việc chi trả ASXH thông qua tài khoản là văn minh, giảm được chi phí lao động và công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi thì có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện nhận tiền trợ cấp qua tài khoản.
Bà Ưng Thị Lan Anh là chuyên viên Phòng LĐTB&XH Ba Vì, phụ trách mảng bảo trợ xã hội cho hay: Đối tượng bảo trợ xã hội là người trên 80 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, nằm đâu, nằm đó thường có người nhà được ủy quyền đi nhận tiền mặt tại trụ sở UBND xã hoặc nhà văn hóa thôn. Những đối tượng này không thể đến ngân hàng hay ra cây ATM để rút tiền trợ cấp.
Theo quy định, người muốn làm thẻ ngân hàng thì phải trực tiếp đi làm thủ tục, không được ủy quyền cho người khác. “Vì thế, chúng tôi cho rằng, cấp trên cần nghiên cứu cách làm cho phù hợp với thực tế, triển khai trước ở những nơi có điều kiện và đối tượng có sức khỏe, tinh thần minh mẫn” - bà Lan Anh nói.
TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, việc chi trả ASXH thông qua tài khoản chưa chắc đã thuận lợi cho đối tượng nhận tiền và rút tiền là người cao tuổi, trẻ em và người nghèo, một bộ phận đáng kể là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Vì họ chưa chắc đã có điện thoại thông minh và thành thạo CNTT. Hơn nữa, ở các vùng này chưa chắc đã phổ biến công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, vô hình chung, việc chi trả qua tài khoản chỉ tạo thuận lợi cho bên chi trả mà gây khó cho đối tượng khi nhận chế độ và chi tiêu cá nhân.
“Xu hướng chung và lâu dài chi trả ASXH qua tài khoản là đúng nhưng cần có bước đi phù hợp. Có thể làm dần từng bước và hỗ trợ các đối tượng có khó khăn về điện thoại thông minh và đào tạo CNTT để họ biết cách sử dụng. Cũng cần hướng dẫn địa phương khảo sát khả năng ứng dụng chi trả không dùng tiền mặt để phân loại ai và ở đâu làm trước. Tốt nhất là áp dụng thí điểm để rút kinh nghiệm, từ đó có phương án áp dụng mở rộng dần” - TS Nguyễn Hữu Dũng đề nghị.