Thi lớp 10 vào bài thơ “Đồng chí”: Đề khó nhưng hay!

Nhóm Phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đó là nhận xét của nhiều giáo viên, học sinh khi đọc đề thi ngữ văn – kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội. Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu hay quan điểm “sống để đáp ứng mong đợi của người khác” đều xoáy vào mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ.

Đề thi hay

Đề ngữ văn - kỳ thi lớp 10 của Hà Nội gồm 2 phần: phần I (6,5 điểm) và phần II (3, 5 điểm).

Tại phần I, đề thi vào bài "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu với 4 câu hỏi thành phần về thể thơ, hiệu quả nghệ thuật, giá trị biểu đạt của từ ngữ và viết đoạn văn theo yêu cầu để làm rõ hình ảnh người lính cách mạng thời kháng chiến chống Pháp trong trích đoạn thơ. 

Đề thi chính thức môn ngữ văn - kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội
Đề thi chính thức môn ngữ văn - kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội

Tại phần II, đề cho một đoạn trích là hội thoại giữa chàng thanh niên và một triết gia về chủ đề  nhu cầu được người khác thừa nhận, sống cuộc đời của người khác hay sống theo theo mong muốn của chính mình; từ đó yêu cầu viết đoạn văn nghị luận để trả lời câu hỏi "Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu với chúng ta"?.

Là thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng – Cầu Giấy, nam sinh Nguyễn Trọng Khánh cho biết: “Đề thi văn khá vừa sức với em cũng như với các bạn và nếu làm cẩn thận thì sẽ hoàn thành được các yêu cầu của đề trong 120 phút. Em kỳ vọng bài thi của mình được 8 hoặc trên 8 điểm”.

Vừa rời khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, thí sinh Dương Xuân Gia Bảo vui mừng hét to “đỗ rồi”. Bảo cho hay, đề thi văn hay và khó. Em có may mắn là trước đó ôn rất kỹ bài “Đồng chí”; còn phần nghị luận xã hội em cứ nêu đúng suy nghĩ của bản thân mình. “Văn là môn em lo nhất và hiện đã hoàn thành tốt trong 2 tờ giấy thi. Em coi đó là thành công lớn của ngày hôm nay” – Bảo chia sẻ.

Thí sinh phấn khởi sau môn thi ngữ văn
Thí sinh phấn khởi sau môn thi ngữ văn.

Với thí sinh Vũ Khánh Phương, điểm thi Trường THCS Dịch Vọng – Cầu Giấy, đề thi văn thực sự hay, ý nghĩa và có chiều sâu; đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Nó gợi lên cho chúng em những suy nghĩ về bản thân và gia đình cùng sự kỳ vọng. Phương hy vọng được 8 điểm ngữ văn và bày tỏ mong muốn đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Cầu Giấy.

“Đề thi vừa sức và làm được hơn 70%” là chia sẻ của thí sinh Vũ Hoàng Nam, điểm thi Trường THCS Mễ Trì - Nam Từ Liêm. Nam cho rằng, phần thi nghị luận xã hội khá khó để lựa chọn từ ngữ diễn đạt, do vậy nghĩ được nhiều nhưng viết không được như ý muốn. Dù vậy, em cũng hy vọng điểm văn đạt từ 7 trở lên.

Tại một số điểm thi, không ít giọt nước mắt của thí sinh đã rơi vì làm bài chưa thật tốt. “Đề thi không quá khó nhưng em hơi mất bình tĩnh nên không đạt kỳ vọng, em rất buồn và sẽ cố gắng ở các bài thi sau”, thí sinh Nguyễn Mai Lan bộc bạch.

Phổ điểm trung bình có thể từ 6.5 – 7.0 điểm

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI, cấu trúc đề thi ngữ văn  - kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay vẫn giữ như mọi năm. Kiến thức văn học và Tiếng Việt bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9, dự kiến phổ điểm trung bình có thể từ 6.5 – 7.0 điểm.

Tại phần I (6,5 điểm): ba câu hỏi đọc - hiểu bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu sẽ khiến một số học sinh ngạc nhiên vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy vậy, đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm, thí sinh có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi.

Ở câu hỏi số 4, bên cạnh yêu cầu về nội dung "làm rõ hình ảnh người lính" trong 8 dòng thơ, còn có yêu cầu phụ về viết đoạn văn và thí sinh cần đặc biệt lưu tâm về dung lượng (15 câu văn) để tránh lan man, mất điểm do không hoàn thành đủ các yêu cầu. 

Phần II (3,5 điểm): bài viết “Dám bị ghét” với cuộc đối thoại của triết gia và chàng thanh niên bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn được người khác thừa nhận sẽ tạo được nhiều cảm xúc cho các thí sinh. Câu hỏi đọc hiểu với ngữ liệu ngoài SGK về cách ứng xử của mỗi người và đưa ra hai lựa chọn: sống để đáp ứng những mong đợi của người khác hay theo đuổi đam mê và giá trị của riêng mình.

Những cách diễn đạt của câu hỏi trong đề thi như: “theo em”, “nên ứng xử thế nào…?” cho phép thí sinh có thể tự do nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra. Đây cũng là một vấn đề gần gũi, quen thuộc với học sinh, đặc biệt khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn. 2 yêu cầu trả lời ngắn xác định phép liên kết và nêu quan điểm về việc chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác chắc hẳn không làm khó được thí sinh.

Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao.

Sau đây là một số hình ảnh của thí sinh sau khi kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội:

Thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THCS Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngọc Tú.
Thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THCS Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Ngọc Tú.
Tại điểm thi Trường  THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, em Nguyễn Lê Hà Vy là thí sinh đầu tiên hoàn thành bài thi môn ngữ văn. Ảnh: Vi Giáng
Tại điểm thi Trường  THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, em Nguyễn Lê Hà Vy là thí sinh đầu tiên hoàn thành bài thi môn ngữ văn. Ảnh: Vi Giáng
Hình ảnh phấn khởi của phụ huynh khi con hoàn thành xong bài thi sáng 8/6 tại điểm trường  THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Ảnh: Duy Khánh
Hình ảnh phấn khởi của phụ huynh khi con hoàn thành xong bài thi sáng 8/6 tại điểm trường  THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Ảnh: Duy Khánh
Thi lớp 10 vào bài thơ “Đồng chí”: Đề  khó nhưng hay! - Ảnh 1
Thí sinh cho rằng đề thi môn ngữ văn sáng nay khó nhưng hay, có chiều sâu, đặc biệt ở câu nghị luận xã hội. Ảnh: Ngọc Tú.
Thí sinh cho rằng đề thi môn ngữ văn sáng nay khó nhưng hay, có chiều sâu, đặc biệt ở câu nghị luận xã hội. Ảnh: Ngọc Tú.
Thí sinh tự tin với bài làm môn ngữ văn. Ảnh: Ngọc Tú
Thí sinh tự tin với bài làm môn ngữ văn. Ảnh: Ngọc Tú
Tại điểm trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, đa số thí sinh cho rằng, đề văn năm nay vừa sức, riêng câu nghị luận dù khó nhưng có tính gợi mở và các em đều làm bài khá, tốt. Ảnh: Khánh Huy.
Tại điểm trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, đa số thí sinh cho rằng, đề văn năm nay vừa sức, riêng câu nghị luận dù khó nhưng có tính gợi mở và các em đều làm bài khá, tốt. Ảnh: Khánh Huy.
Niềm vui khôn tả khi  con bước ra khỏi phòng thi. Ảnh: Khánh Huy.
Niềm vui khôn tả khi  con bước ra khỏi phòng thi. Ảnh: Khánh Huy.
Bên cạnh những thí sinh làm tốt bài thi môn ngữ văn, vẫn còn những em chưa hoàn thành trọn vẹn và làm bài chưa được tốt vì cho rằng "lệnh tủ" đề thi. Ảnh: Khánh Huy.
Bên cạnh những thí sinh làm tốt bài thi môn ngữ văn, vẫn còn những em chưa hoàn thành trọn vẹn và làm bài chưa được tốt vì cho rằng "lệnh tủ" đề thi. Ảnh: Khánh Huy.

Đánh giá của thí sinh sau môn thi đầu tiên