Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí sinh chê trường ngoài công lập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 30/11 là thời hạn kết thúc xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH ngoài công lập (NCL) hiện mới chỉ tuyển được chưa đầy 100 chỉ tiêu...

“Bộ mở… nhưng không có gì để mở!”

"Năm 2012 là năm hoạt động khó khăn nhất trong lịch sử 20 năm tồn tại của hệ thống các trường ĐH NCL. Năm 2012, các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, kể cả các trường công lập. Với tỷ lệ sinh viên (SV) trường công đang là 86%, các trường này chỉ cần tuyển thêm 15% là vét sạch nguồn các trường NCL, thậm chí vét lẫn nhau trong hệ thống các trường công" - Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng khẳng định.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường kéo dài thời gian tuyển sinh đến 30/11 để tuyển đủ chỉ tiêu. Thế nhưng, bức tranh chung về tuyển sinh của nhiều trường ĐH NCL, nhất là những trường mới mở, số lượng tuyển chỉ được 2 con số, nghĩa là chưa đầy 100 chỉ tiêu.
 
Thí sinh chê trường ngoài công lập - Ảnh 1

Thi sinh dự thi vào trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
 
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH dân lập Đông Đô cho rằng: "Bộ mở... nhưng không có gì để mở". Ông Tĩnh nhận định, lý do dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là bởi năm 2012 một số địa phương thông báo không tuyển công chức và viên chức đối với những người tốt nghiệp các trường ĐH NCL.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu nên họ xác định nhiều hơn, trong khi nhiều trường ĐH công lập lại xét tuyển bằng điểm sàn. Thứ ba, một số trường NCL còn có nhiều vấn đề dẫn đến thí sinh không thiết tha.

Mùa tuyển sinh này, ĐH Đại Nam cũng nằm trong tình cảnh khó khăn chung của các trường NCL. Đến nay, trường mới tuyển được 300 chỉ tiêu ĐH và CĐ, trong khi năm ngoái là 700 và năm trước nữa là 1.000 chỉ tiêu. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Đại Nam cho biết: Đến tháng 10, gần như thí sinh có số điểm vừa đủ xét tuyển đã tìm được trường nhập học, không chờ đến 30/11. Bởi vậy, việc kéo dài thời hạn không có nghĩa lý gì.

Trường ngoài công lập chưa đủ uy tín

Nói về bức tranh tuyển sinh èo uột của các trường NCL, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, lý do chính là bởi Bộ cho các trường công lập tăng chỉ tiêu nhiều.

Tâm lý chung vốn chuộng trường công hơn, nên có những trường NCL như ĐH Tân Tạo được đầu tư cơ sở vật chất vào loại "khủng", đội ngũ giảng viên giỏi và có nhiều giáo sư, nhưng năm vừa qua chỉ tuyển được có hơn 30 sinh viên và năm nay còn ít hơn.

Ông Khuyến cũng thừa nhận, có nhiều trường NCL không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống trường NCL. "Trong tuyển sinh, trường NCL yếu thế so với trường công là đương nhiên, trừ một số rất ít trường NCL có thương hiệu thì không đến nỗi.

Nhưng, những trường đó vẫn phải chấp nhận lấy điểm ngang điểm sàn" - ông Khuyến nói. Ông Phan Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long phân tích, trường NCL tuyển được ít thí sinh là bởi không đủ uy tín, những ngành mở ra không đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội. Ông Dũng khẳng định: "Để gây dựng uy tín cho trường là cả quá trình. Nếu có được uy tín mà không biết tìm chỗ phát huy năng lực của mình thì cũng không có tác dụng.

Thị trường giáo dục cần những người giỏi, chứ không phải chỉ có nhiều tiền".Thế nhưng, lãnh đạo nhiều ĐH NCL và các chuyên gia giáo dục lại cho rằng, việc các trường ĐH công lập lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn là nguyên nhân khiến các trường NCL không thể cạnh tranh.

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH dân lập Phương Đông còn ví von các trường công xét tuyển bằng điểm sàn giống như các tập đoàn Nhà nước được ưu tiên vô thời hạn. Điều đó khiến mọi người tin rằng chỉ có trường công đào tạo được.

Trong nỗi chật vật thiếu nguồn tuyển, thậm chí còn có ý kiến nghi ngờ về số liệu thí sinh có điểm trên sàn đã được Bộ công bố: "Bộ nói là số thí sinh có điểm trên sàn dư thừa rất nhiều so với chỉ tiêu. Năm nào Bộ cũng nói như thế, vậy các em không vào học ĐH thì đi đâu? Chẳng lẽ đi du học hay sang năm thi lại ĐH?" - hiệu trưởng một trường ĐH NCL bức xúc.