Thí sinh Hà Nội có trải nghiệm sáng tạo và thú vị với đề thi Ngữ văn vào trường “hot”

Linh Anh- Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021- 2022. Đề thi của trường được đánh giá là “trí tuệ”, “khó nhằn”; đặc biệt là môn Ngữ văn.

“Những câu hỏi không lãng mạn”
Trong thời gian 60 phút, đề thi Ngữ văn của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành gồm 2 phần: Phần I (4 điểm) và phần II (6 điểm). Ở phần I, đề thi cho đoạn văn chứa một số lỗi về kiến thức văn học, dùng từ, đặt câu, liên kết và yêu cầu thí sinh chỉ ra các lỗi; đồng thời chữa lại cho đúng.
Theo cô Hoàng Thơm- giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội thì câu 1 vốn là dạng đề chữa lỗi quen thuộc dành cho học sinh giúp kiểm tra được kiến thức cả 3 phân môn về Văn học, Làm văn và tiếng Việt. Đề bài yêu cầu chữa lỗi diễn đạt và kiến thức về 01 văn bản trong chương trình Ngữ văn 9 đã tạo cho các em cảm giác tự tin, gần gũi nhưng đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức và biết phát hiện, biết sửa lỗi sao cho đúng, cho hay, phù hợp với mạch diễn đạt.
 Đề Ngữ văn của trường được thí sinh và phụ huynh đánh giá là trí tuệ, đầy thử thách nhưng khơi gợi nhiều cảm xúc
Điểm nhấn của đề thi là ở phần II. Đề thi cho đoạn trích “Những câu hỏi không lãng mạn” của tác giả Nguyễn Quang Thiều:
“Ta hỏi một con chim: Ngươi cần gì? Chim trả lời: Ta cần bay. Một con chim được ăn kê béo trong lồng sẽ trở thành một con gà bé bỏng tội nghiệp và vô dụng.
Ta hỏi dòng sông: Người cần gì? Sông trả lời: Ta cần chảy. Nếu một dòng sông không chảy thì chỉ là một vũng nước, khô cạn dần và biến mất.
Ta hỏi con tàu: Ngươi cần gì? Con tàu trả lời: Ta cần được ra khơi. Nếu con tàu không ra khơi, nó chỉ là một vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần theo thời gian”.
Với câu hỏi “Ngươi cần gì?”, câu trả lời của em là….?”. Hãy viết câu trả lời đó bằng một bài văn nghị luận có độ dài khoảng 1,5 trang giấy thi”.
 Đề thi văn- kỳ thi vào lớp 10 trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội)
Bước ra khỏi phòng thi, Nguyễn Minh Châu- trường THCS Ngô Sỹ Liên, huyện Chương Mỹ- thí sinh dự thi cho biết: “Đề Ngữ văn hôm nay rất mới lạ, không giống các đề văn em đã từng ôn luyện. Tuy nhiên, nó khơi gợi hứng thú và sự sáng tạo rất lớn đối với em. Em đọc đề, cảm nhận đề với tư cách của một cô học trò lớp 9 và cũng với tư cách của một công dân bước vào tuổi 15. Đề thi tạo cho em cảm giác mình là một chủ thể; đưa ra lựa chọn và quan niệm của bản thân với cuộc sống một cách bản lĩnh và chín chắn. Em tin, mỗi con người được quyền lựa chọn sẽ luôn chọn những điều tốt đẹp; để mình trở thành người có ích cho xã hội…”.
Chị Hoài Anh, phụ huynh thí sinh bày tỏ: “Thoạt đầu đọc đề nhiều thí sinh có thể bị “choáng” nhưng khi ngẫm nghĩ, đề thi sẽ mở ra những khơi gợi đầy trí tuệ, học sinh được chủ động bày tỏ quan điểm chứ không lệ thuộc vào điều khuôn mẫu nào. Đề thi này không chỉ hợp với thí sinh có năng khiếu văn chương mà còn phù hợp với thí sinh học ban A và ban D. Theo tôi đây là một đề thi thực sự xuất sắc”.
Bày tỏ quan điểm về phần II, cô Hoàng Thơm cho biết: “Với thời lượng 60 phút, đây là một đề bài khá hấp dẫn, vừa kiểm tra được kiến thức, kĩ năng, vùa phát huy được khả năng sáng tạo của học trò. Câu 2 là một tình huống mở có dung lượng nghị luận 1,5 trang giúp các em trải nghiệm sáng tạo và thể hiện bản lĩnh trong một tình huống giả định từ những gợi ý của dữ liệu đề đến tự trả lời câu hỏi cho bản thân về điều cần nhất cho tương lai. Câu hỏi này quen thuộc với các kì thi học sinh giỏi, sẽ phân loại được thí sinh, đánh giá được tư duy cũng như kĩ năng trình bày vấn đề, diễn đạt của các em. Hi vọng các em sẽ có những kiến giải thuyết phục và đạt điểm cao”.
Thách thức mỗi học sinh đối với quan niệm sống của mình
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả đoạn trích ở câu hỏi phần ll cho rằng, gần đây một số trường đã ra đề Ngữ văn rất ý nghĩa. Cách ra đề như vậy có 2 mặt, một mặt đặt vấn đề mà mỗi nhân cách, mỗi thái độ của học sinh phải nhìn vào đời sống, con đường, ý tưởng của mình; mặt thứ 2 là sự mở rộng, đòi hỏi kiến thức tổng hợp của học sinh bởi giáo dục quan trọng là tạo ra nhân cách, tâm hồn, ý thức của học sinh trước cuộc sống của mình. Học sinh phải trả lời câu hỏi đó, nghĩa là học sinh phải có tích lũy sống, quan niệm sống cùng các mối quan hệ khác.
 Đề thi mang đến cảm nhận mới mẻ cho thí sinh
Dẫn giải hoàn cảnh ra đời của tác phẩm xuất hiện trong đề thi nêu trên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Đề thi là câu trích trong một bình luận tôi viết đăng báo khi đưa ra khái niệm nhân sinh quan về văn hóa, giáo dục, con người, thiên nhiên… Trong bình luận nói 1 điều quan trọng khát vọng lớn nhất của con người khi sinh ra là được hành động, được lao động, được sáng tạo. Con tàu phải ra khơi, con chim phải vỗ cánh bay vào bầu trời, con sông phải được chảy. Mục đích đối tượng của con người là sống phải được dâng hiến, được lao động và sáng tạo chứ không phải được chăm sóc, được nuôi dưỡng ở môi trường vật chất có sẵn nào đó”.
“Có một số người nghĩ rằng, cách ra đề như vậy là thách đố, làm khó học sinh nhưng tôi nghĩ rằng ngay đứa trẻ 3-4 tuổi mình trò chuyện đối thoại với nó sẽ thấy nhận thức cuộc sống khác biệt rất nhiều so với đứa trẻ của cách đây 30-40 năm. Nên theo tôi, cách ra đề như vậy là phù hợp, sẽ tác động cho học sinh khả năng suy luận. Câu hỏi của đề không chỉ của bài văn hay bài sử mà đặt ra thách thức của một học sinh đối với quan niệm sống của mình”- nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao cách ra đề của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành và cho rằng, nên có nhiều hơn những đề tương tự như vậy. “Chúng ta không chỉ dạy học sinh thành một cỗ máy, phải dạy học sinh trở thành công dân đầy nhân tính. Để học một bộ môn thì cần 4-5 năm, làm nghề có thể là 2 năm, nhưng dạy con người với đời sống của bản thân và đời sống xã hội thì anh ta phải học đến hết cuộc đời"- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết.