Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi THPT Quốc gia 2021 trên máy tính: Phải chuẩn bị ngay từ bây giờ

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, thí sinh (TS) sẽ làm bài thi trên máy tính, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.

3 điều kiện quan trọng
Từ năm 2021, các môn thi THPT Quốc gia sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới và hướng tới kỳ thi THPT Quốc gia trên máy tính. Để đảm bảo nguyên tắc không gây xáo trộn tâm lý cho TS cũng như kết quả thi có độ tin cậy, khách quan, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương thức, nội dung, hình thức thi trước một năm để TS có sự chuẩn bị ôn tập.
Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Văn phòng Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc xây dựng phương án thi THPT sau năm 2020 cần chắc chắn nhưng phải tích cực, khẩn trương.
Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hóa, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính. Đồng thời tiếp tục có các cuộc làm việc, tham khảo, tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án và phải lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân trước khi trình Chính phủ.
 Thí sinh làm bài thi môn Văn tại kỳ thi Quốc gia 2019 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
“Bàn kỹ việc thực hiện như thế nào trong giai đoạn 2021 - 2025 chứ không bàn sau 2025, không đẩy sang nhiệm kỳ sau được” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW là phải chuyển GD&ĐT theo hướng mở. Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia sau năm 2020 phải mở về đối tượng, không gian, nội dung để tạo thuận lợi nhất cho TS. Chuẩn bị kỹ cơ sở hạ tầng, từ địa điểm thi, trang thiết bị đến phần mềm, ngân hàng câu hỏi; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cán bộ tổ chức các kỳ thi, thầy cô giáo.
Tương tự, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, phương án thi THPT sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, ứng dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.
“Một hệ thống giáo dục trong thời đại kỹ thuật số, một nhà trường thông minh cần có hình thức tổ chức thi tương ứng” - GS Phạm Tất Dong nói. Đồng thời cho rằng có thể áp dụng hình thức vừa thi trắc nghiệm trên máy tính và thi tự luận trên giấy bắt đầu từ năm 2020 - 2021 để giảm tiêu cực trong thi cử. Muốn được như vậy, ngay từ bây giờ, Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị 3 điều kiện quan trọng: Ngân hàng đề thi, máy tính và đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi. 
Huy động doanh nghiệp cùng tham gia
Để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021, các chuyên gia thống nhất cần áp dụng công nghệ vào kỳ thi, chuẩn bị các điều kiện, rõ lộ trình các bước triển khai để tổ chức thi trên máy tính đảm bảo tính khả thi.
Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ băn khoăn, có 1 - 2 triệu TS, mỗi em một máy thì Bộ GD&ĐT có chuẩn bị đủ máy tính hay không? Hơn nữa, với một số lượng lớn TS dự thi diễn ra cùng thời điểm, nếu hạ tầng không đảm bảo có thể dẫn đến nhiều sự cố xảy ra như nghẽn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thành nhiều đợt khác nhau trong năm, vì vậy, độ khó, dễ trong các đợt thi này phải tương đương nhằm đảm bảo công bằng, khách quan.
GS Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ nếu không sẽ lạc hậu. Bộ GD&ĐT cần xem xét việc cho phép các DN tham gia cung cấp hạ tầng, dịch vụ công nghệ, ngân hàng câu hỏi phục vụ cho kỳ thi”.
Lo ngại ngân hàng đề thi quá ít sẽ không đáp ứng được lượng TS kỳ thi THPT, GS.TS Phạm Tất Dong đề nghị Bộ GD&ĐT phải huy động những người am hiểu như chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, thậm chí học sinh giỏi (vì đã từng trải qua các kỳ thi) để tạo nên dữ liệu khổng lồ.

"Cần tích cực chuẩn bị chu đáo nhất cho lộ trình từng bước tiến hành thi THPT Quốc gia trên máy tính. Khi thực hiện, phải đặc biệt quan tâm đến sự chênh lệch phát triển các vùng miền, tính toán từng bước cẩn trọng, có lộ trình hợp lý, tránh xáo trộn không cần thiết. " - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi