Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi THPT quốc gia trên máy tính: Quan trọng nhất là chuẩn hóa đề

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng tình với đề xuất phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, thầy Vũ Khắc Ngọc – chuyên gia giáo dục Hệ thống giáo dục HOCMAI vẫn băn khoăn về chất lượng đề thi, chuẩn hóa đề thi. Vì thế, phải dần hình thành những trung tâm khảo thí độc lập có chất lượng đảm bảo để đánh giá thí sinh.

 Thầy Vũ Khắc Ngọc – chuyên gia giáo dục Hệ thống giáo dục HOCMAI
Là người phanh phui ra gian lận kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, theo ông, với đề xuất tổ chức thi THPT quốc gia sau năm 2020 thí điểm trên máy tính có triệt tiêu được gian lận thi cử?
- Công nghệ cũng là do con người thiết lập và vận hành, tuy nhiên, khi tổ chức thi trên máy tính, có ứng dụng công nghệ thì yếu tố con người bị giảm bớt và hy vọng góp phần hạn chế gian lận, tiêu cực trong thi cử. 
Trong giai đoạn đầu thí điểm thi trên máy tính nên triển khai ở những địa phương nào?
- Thi trên máy tính là lựa chọn bổ sung cho thí sinh. Có nghĩa, kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tiến hành các bài thi trên giấy như bình thường. Và song song với đó có thể tổ chức các đợt thi trên máy tính; nếu thí sinh có nguyện vọng, nhu cầu thì tham gia. Địa điểm thi không bị giới hạn chỉ thí điểm ở địa phương này hay kia, có thể tổ chức ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP lớn khác.
Tuy nhiên, học sinh ở các tỉnh, TP khác có nguyện vọng thi trên máy tính hoàn toàn có quyền đăng ký tham gia. Về việc này, cần tính toán thận trọng, nếu không học sinh ở các tỉnh lại đổ dồn về thi trên máy tính để tự tạo thêm cơ hội cho mình.
Khi vừa thi giấy và trên máy tính, liệu thí sinh có được lấy điểm ở lần thi có kết quả cao nhất?
- Điều quan trọng nhất trong tổ chức thi nhiều lần, nhiều đợt là công tác chuẩn hóa đề thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi rất dễ, mức điểm của thí sinh rất cao nên trường Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 29,25. Thế nhưng, sang năm 2018, vẫn là thi THPT quốc gia, kết quả điểm thi lại thấp nên điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ đa khoa của trường này giảm xuống còn 24,7.
Học sinh THPT đang được tìm hiểu nghề trước khi quyết định lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. Ảnh: Thủy Trúc
Rõ ràng, công tác chuẩn hóa đề thi chưa tốt dẫn đến chênh lệch kết quả thi giữa các năm rất cao. Nếu sau này xảy ra sự chênh lệch giữa các lần thi như vậy, khó đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Vì thế, muốn tổ chức thi nhiều đợt trong năm, phải làm tốt công tác chuẩn hóa đề thi để kết quả phản ánh đúng được năng lực của thí sinh. Khi tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính nhiều đợt trong năm, các trường ĐH cũng nên xét tuyển nhiều lần.
Ngân hàng câu hỏi và chuẩn hóa đề thi là bài toán khó, vậy cần được giải quyết theo hướng nào?
- Hiện nay công tác chuẩn hóa đề thi do Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện. Tôi nghĩ Bộ hơi tham việc khi tự lo ngân hàng đề thi và quản lý, tổ chức thi. Sắp tới, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, Bộ GD&ĐT nên tạo hành lang pháp lý và cơ chế tài chính thông thoáng, hấp dẫn để thành lập trung tâm khảo thí độc lập với sự tham gia của các tổ chức bên ngoài. Những trung tâm khảo thí này độc lập với Bộ, hoàn toàn có thể xây dựng được ngân hàng đề thi tốt trong một thời gian ngắn khi có sự đầu tư nguồn lực lớn.
Tất nhiên, trong những năm đầu, Bộ GD&ĐT đóng vai trò trọng tài, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá lại mức độ chuẩn hóa đề thi của các trung tâm khảo thí để kết quả thi được đảm bảo. Về lâu dài, chính các trung tâm khảo thí độc lập cạnh tranh lẫn nhau về mặt uy tín đối với xã hội. Trung tâm khảo thí nào có kết quả thi đáng tin cậy, phản ánh đúng năng lực của thí sinh sẽ được các trường ĐH tín nhiệm sử dụng.
Xin cảm ơn ông!