70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường bất động sản đang có phản ứng tích cực

Doãn Thành thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý I/2024, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục ghi nhận phục hồi tích cực, khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khúc mắc về việc một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình để “thổi giá” nhà.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).

Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải.
Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải.

Thưa ông, ông có thể cho biết khái quát về tình hình hoạt động của thị trường BĐS trong quý I/2024?

- Trong quý I/2024 với sự tăng trưởng ổn định của toàn nền kinh tế (GDP ước tăng 5,66%); Cùng với những chỉ đạo quyết định, có trọng tâm, trọng điểm từ Chỉnh phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS như: Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực… Theo đó, thị trường BĐS trong quý cũng đã có phản ứng tích cực.

Phản ứng tích cực của thị trường trước những cơ chế, chính sách của Nhà nước mà ông vừa nhắc tới, cụ thể thế nào?

- Một số phân phúc trên thị trường ghi nhận có sự tăng trưởng tích cực, cụ thể: Đối với dự án nhà ở thương mại, số lượng được cấp phép mới (19 dự án với quy mô khoảng 9.774 căn hộ) bằng 111,76% so với cùng kỳ năm 2023; Số lượng dự án đang triển khai (984 dự án với quy mô khoảng 421.353 căn hộ), bằng 115,22% so với quý IV/2023 và bằng 140,97 % so với cùng kỳ. Trong đó, miền Bắc 406 dự án với quy mô 236.873 căn; miền Trung 360 dự án với quy mô 91.022 căn; miền Nam 218 dự án với quy mô 93.458 căn.

Thị trường BĐS tiếp tục phục hồi tích cực trong quý I/2024.
Thị trường BĐS tiếp tục phục hồi tích cực trong quý I/2024.

Đối với dự án nhà ở xã hội: Trong quý đã có 13 dự án hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn. Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý I/2024, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 418.200 căn.

Về lượng giao dịch theo tổng hợp báo cáo từ Sở Xây dựng các địa phương. Trong quý, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ cả nước có 35.853 giao dịch thành công, bằng 129,95% so với quý IV/2023; Đất nền có 97.659 giao dịch thành công, bằng 145,18% so với cùng kỳ. Qua số liệu tổng hợp cho thấy lượng giao dịch trong 3 phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong có xu hướng tăng.

Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây đó là việc giá nhà chung cư tại Hà Nội tăng đột biến. Phía cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng có thông tin gì về việc này, thưa ông?

- Trong quý I/2024 nhu cầu tìm kiếm mua BĐS đặc biệt là căn hộ chung cư và đất nền ghi nhận tăng cao so với thời điểm cuối năm 2023, cùng với đó là sự khan hiếm về nguồn cung mới đã kéo theo giá bán tăng. Riêng tại thị trường Hà Nội, ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại), cụ thể: Dự án Phương Đông Green Home (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) từ 35,5 - 48,9 triệu/m²; Dự án Trinity từ 41,6 - 55,8 triệu/m²; Dự án Masteri West Heights từ 58,7 - 75,2 triệu/m²...

Đáng chú ý, có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 - 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao. Tuy nhiên, tại một số khu vực, dự án có thông tin giá căn hộ đầu năm 2024 tăng khoảng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2023. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo một số đơn vị chuyên môn đi khảo sát, qua thực tế cho thấy mặc dù giá bán được đẩy lên cao nhưng gần như không có giao dịch phát sinh.

Để điều này không làm ảnh hưởng đến toàn thị trường, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn vào cuộc kiểm tra, xác minh và báo cáo bằng văn bản đến Bộ Xây dựng (dự kiến sau kỳ nghỉ lễ sẽ có báo cáo) để Bộ chủ động phương án xử lý hoặc tham mưu với Chính phủ về giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, để không để xảy ra “bong bóng”.

Trước những diễn biến của thị trường trong quý I/2024, ông có thể cho biết Bộ Xây dựng đã có đề xuất giải pháp gì nhằm thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới?

- Thời gian tới các bộ, ngành cần tập trung xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở... bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành trong tháng 7/2024; Tiếp tục rà soát, tháo gỡ hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ đối với vấn đề vượt thẩm quyền.

Các địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phục hồi nhanh hơn.
Các địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phục hồi nhanh hơn.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…; Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn hệ thống ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến dự án BĐS; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết thủ tục xác định giá đất cho dự án BĐS, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp xử lý lòng vòng gây chậm trễ.

Đối với các địa phương, nhanh chóng tổng hợp vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xem xét, giải quyết. Tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành; Đồng thời chủ động đề xuất chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương liên quan đến thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở...

Đối với DN, chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền; Tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và điều kiện thực tế của thị trường; Điều chỉnh lại phân khúc, giá, phù hợp với thị trường, đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động, thực hiện dự án; Rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai, hoàn thành dứt điểm từng dự án tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu.

Xin cảm ơn ông!