Thị trường bất động sản hứa hẹn sôi động

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo đánh giá, huyện Đông Anh là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển bất động sản (BĐS), xây dựng. Điều này càng được củng cố khi mới đây, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua đề án thành lập quận Đông Anh, để trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Thị trường nhiều tiềm năng
Huyện Đông Anh vốn là "điểm nóng” trong những năm gần đây về phát triển BĐS. Trước hàng loạt những thông tin quy hoạch đô thị, hạ tầng khiến giá BĐS khu vực này liên tục tăng cao, đỉnh điểm là thời điểm đầu năm 2021, khi giá BĐS tại địa bàn thiết lập mặt bằng mới, cao gấp 3 – 4 lần thời điểm trước đó.

Nhưng bước sang năm 2023, cùng những khó khăn chung của toàn nền kinh tế, thị trường BĐS huyện Đông Anh có dấu hiệu đi xuống do giảm sút về lượng giao dịch, riêng phân khúc đất nền được xem là sản phẩm chính ghi nhận có sự giảm giá mạnh.

Tuy nhiên, với thế mạnh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, đồng thời được TP tập trung các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng với mục tiêu trước mắt để nâng cấp đơn vị hành chính thành quận và tương lai sẽ được xây dựng để trở thành một đô thị hiện đại, một phần của khu đô thị trung tâm sẽ được mở rộng ra dọc bờ Bắc sông Hồng. Chính bởi vậy, cho đến nay hàng loạt “đại gia” ngành BĐS trong và ngoài nước đều đã có sự hiện diện tại vùng đất này.

Có thể kể đến như: Sun Group, Vingroup, BRG, Becamex ITC đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Đông Anh với các công trình có quy mô như Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia lớn nhất châu Á của Vingroup tại xã Đông Hội; siêu dự án công viên Disneyland - dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy của Sungroup tại xã Vĩnh Ngọc, xã Tiên Dương; Công viên công nghệ phần mềm của Becamex ITC tại xã Tiên Dương, xã Nguyên Khê; dự án Thành phố thông minh BRG Smart City do Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG đang triển khai tại các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối... cho thấy chưa khi nào thị trường BĐS Đông Anh lại trở nên nhiều tiềm năng như lúc này.

Nếu như những vùng đất thuộc xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Tiên Dương, Nguyên Khê... trước đây chỉ là những khu vực thôn quê thuần nông, người dân quanh năm chỉ gắn bó với mảnh ruộng và sản xuất nông nghiệp, đến nay cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư bài bản, khang trang, nhiều ngành nghề dịch vụ mới đã len lỏi vào từng ngõ xóm, đã làm cho giá đất ở đây tăng mạnh, từ 5 – 10 triệu đồng/m2 thời điểm năm 2010, lên 50 – 60 triệu đồng/m2 hiện nay.

Tương tự, những khu vực thị trấn Đông Anh, xã Uy Nỗ... giá đất một số tuyến phố lớn ghi nhận đã ở mức 300 triệu đồng/m2, đây quả là một sự đổi thay đến chóng mặt của vùng quê này.

“Kể từ khi có thông tin Đông Anh được quy hoạch thành quận, thị trường BĐS ở khu vực này đã trở nên “sôi sục”, minh chứng rõ nhất là giá nhà đất ở đây tăng phi mã, cao hơn nhiều so với các khu vực khác của Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó là hàng loạt các dự án của những tập đoàn lớn vào đầu tư, càng khiến cho giá nhà đất ở Đông Anh trở nên “nóng - sốt”.

Hiện nay, với việc TP Hà Nội đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị mới để giãn dân nội đô, huyện Đông Anh lại đang được đầu tư mạnh về hạ tầng, dịch vụ... đã khiến làn sóng dịch chuyển đầu tư BĐS sang khu vực này ngày càng mạnh mẽ” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

"Điểm nóng" về thu hút đầu tư

Đến thời điểm hiện tại, huyện Đông Anh đã đạt đủ tiêu chuẩn để thành quận. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023 toàn bộ quy trình, thủ tục sẽ được trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội để phê duyệt. Nhưng theo đánh giá, thị trường BĐS khu vực Đông Anh khó có sự “bùng nổ” như giai đoạn trước, bởi giá nhà đất ở đây đã cao hơn so với mức bình quân chung của thị trường và so với tiến độ kiện toàn hệ thống hạ tầng, cùng với đó là sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía chính quyền.

Nhưng điều đó sẽ không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường trong thời gian tới, bởi nơi đây đang trở thành “điểm nóng” về thu hút đầu tư.

“Với lợi thế về vị trí và quỹ đất, Đông Anh là lựa chọn hàng đầu để trở thành trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại quốc tế, trung tâm du lịch sinh thái và thể thao, vui chơi giải trí; công nghiệp công nghệ cao...

Thị trường BĐS khu vực Đông Anh được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, biến nơi đây trở thành địa điểm đầu tư đầy tiềm năng cho các nhà phát triển BĐS” – Thạc sĩ - Kiến trúc sư Trần Tuấn Anh, chuyên gia về quy hoạch đô thị đánh giá.

Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của vùng đất Đông Anh không chỉ ở những siêu dự án đã và đang được triển khai; mà còn là nơi quy tụ của hàng chục khu đô thị, khu nhà ở, tái định cư trong tương lai cũng như các kế hoạch xây dựng hệ thống cầu, đường sắp được đầu tư tiến hành. Chính vì thế, thị trường BĐS còn nhiều biến chuyển, hứa hẹn đem lại những con số ấn tượng của một TP ven sông Hồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm này thị trường BĐS Đông Anh không còn phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng, vì giá đã quá cao và nhà đất khu vực này đang bước vào thời kỳ ổn định, bền vững.

“Qua thực tế cho thấy, từ khi có thông tin lên quận, giá đất ở Đông Anh, Gia Lâm đã tăng mạnh, sau đó cũng nhiều lần lắng xuống. Thời gian tới, giá BĐS những khu vực này sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ theo lộ trình và tăng ổn định, nhà đầu tư nếu xuống tiền cần xác định đi đường dài.

Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cần lưu ý đến các yếu tố, gồm thông tin quy hoạch, tiềm năng tăng giá của khu vực, sự hiện diện của các chủ đầu tư lớn và diễn biến thị trường trong những năm trước, đặc biệt là cần tránh “bánh vẽ” của môi giới” - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội Đỗ Thị Thu Hằng khuyến cáo.