Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản: Xác lập “luồng xanh” để phục hồi

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cú shock” của đại dịch Covid-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS). Nhưng các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn, trong bối cảnh này doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS cần tiếp tục định hướng đầu tư và chính quyền các tỉnh, thành phố cần phải thống nhất quan điểm về giãn cách xã hội để tạo “luồng xanh” cho thị trường phục hồi sớm nhất có thể.

“Điểm sáng” BĐS khu công nghiệp
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường BĐS từ đầu năm 2021 đến nay trải qua nhiều cung bậc, ghi nhận sự phục hồi đan xen giữa 3 đợt dịch Covid-19. Nhưng từ tháng 5/2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát gây ra nhiều khó khăn hơn, DN đình trệ sản xuất kinh doanh, bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng qua dữ liệu nghiên cứu, BĐS vẫn là một ngành có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, mặc dù rất ít nguồn cung mới, nhưng sản phẩm được chào bán trên toàn thị trường từ đầu năm vẫn đạt số lượng lớn, hấp thụ khoảng 40%, đặc biệt là phân khúc đất nền rất được nhà đầu tư quan tâm, hấp thụ đạt tới trên 60%, thị trường phát triển đồng đều ở tất cả các khu vực” – ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Cần thống nhất quy định "vùng xanh" để các DN xây dựng - BĐS sớm phục hồi trở lại.
Một số liệu nghiên cứu khác từ Công ty JLL Việt Nam cho thấy, làn sóng Covid-19 làm cho GDP trong quý III/2021 của Việt Nam bị âm gần 6,2%, giãn cách xã hội để chống dịch kéo theo sự “ảm đạm” của thị trường BĐS, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Nhưng BĐS khu công nghiệp (KCN) vẫn nổi lên trở thành “điểm sáng” cho toàn thị trường, một số địa phương, như: Hà Nội, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 89%.
Trong quý III, không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn trên cả nước, nhưng tỷ lệ lấp đầy lần lượt duy trì ở mức 85% và 87%. Tỉnh Hưng Yên tiếp tục đón chào nguồn cung mới từ khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng, tổng diện tích 93ha do Hòa Phát làm chủ đầu tư.
Tại Bắc Ninh, KCN Yên Phong 2C của Viglacera đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng được 70% diện tích quy hoạch, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt khoảng 9.900ha.
“Miền Bắc đang chứng kiến xu hướng nhà đầu tư đang đẩy mạnh phát triển mô hình BĐS công nghiệp phức hợp, điển hình như Tập đoàn LH Hàn Quốc đang mong muốn đầu tư dự án công nghiệp, đô thị, dịch vụ phức hợp Đại Hưng quy mô 304ha, tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD tại Hải Dương; Công ty IDICO dự kiến đầu tư thêm khu công nghiệp đô thị dịch vụ Vinh Quang (Hải Phòng) diện tích 495ha; Hay dự án nghiên cứu đầu tư tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, tổng diện tích khoảng 496ha tại tỉnh Yên Bái do tổng Công ty Viglacera đề xuất...” – Giám đốc Bộ phân nghiên cứu thị trường (Công ty JLL Việt Nam) Trang Bùi thông tin.
Cần thống nhất quan điểm giãn cách
Theo Chuyên gia kinh tế - tài chính TS Cấn Văn Lực, cộng đồng DN nói chung, DN BĐS nói riêng đang đối phó với những khó khăn do áp lực về dịch bệnh, lạm phát kinh tế, cụ thể từ đầu năm 2021 đến nay số lượng DN phải giải thể hoặc dừng hoạt động tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi đó tỷ lệ lạm phát ở mức 3%. Dự báo mức tăng trưởng GDP khả quan nhất của Việt Nam trong năm 2021 từ 4,8 - 5%, nếu tình trạng xấu hơn sẽ đạt 3,5 – 4%, nhưng sức cầu thị trường rất yếu, vòng quay của đồng tiền diễn ra chậm. Trong khi đó, dự kiến đến giữa năm 2022 Việt Nam mới đạt tiêu chí miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vaccine phòng Covid-19.
Về vấn đề pháp lý, từ đầu năm 2021 Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản mới được đánh giá có tác động tích cực đến thị trường BĐS, như: Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 69/2021/NĐ-CP cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quyết định số 697/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà; Thông tư số 01/2021/TT-BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng...
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay đó là quy định về “luồng xanh” cho các DN xây dựng – BĐS, vì hiện nay mỗi tỉnh, thành phố có một cách thực hiện riêng, nên việc di chuyển của lao động, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương vẫn đang gặp nhiều trở ngại.
“Hiện nay, một số địa phương vẫn đang thực hiện một cách cứng nhắc những quy định về biện pháp phòng, chống dịch, chưa thống nhất một quan điểm. Chúng tôi cho rằng, đã phân “vùng xanh” thì phải cho phép DN xây dựng hoạt động trở lại, đây chính là điều kiện quan trọng giúp cho thị trường nhanh chóng phục hồi” – ông Nguyễn Quốc Hiệp nhìn nhận.
Mặc dù thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia đều có nhận định khả quan về sự phục hồi sau khi dịch được kiểm soát hoặc sau khi Việt Nam đủ tiêu chuẩn về miễn dịch cộng đồng. Vì căn cứ những số liệu nghiên cứu, thị trường BĐS còn nhiều tiềm năng phát triển, những hạn chế do yếu tố pháp lý đang dần được tháo gỡ, DN kinh doanh BĐS thay đổi cách tiếp cận bán hàng, giúp cho thị trường BĐS đón những tín hiệu tươi sáng trong thời gian tới.

“Hiện nay mức lãi suất tương đối thấp, dòng vốn đầu tư dịch chuyển qua nhiều kênh khác nhau. Trong khi BĐS về trung dài hạn là kênh đầu tư hấp dẫn, mức lợi nhuận có thể đạt từ 9 – 12%/năm. Bên cạnh đó, với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường BĐS, nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm không xảy ra việc tụt giá BĐS trong thời gian tới” – Chuyên gia tài chính, Nguyễn Huy Thành.

“Việc ban hành quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư - môi trường. Từ đó, giúp nhận định sớm vấn đề môi trường từ các dự án phát triển, đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm và mục tiêu chung về phát triển bền vững” - ông Vũ Thế Hưng, Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).