Thị trường cho thuê nhà phố, mặt bằng bán lẻ tăng giá vào dịp giáp Tết

Kim Nhung - Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi giao dịch nhà ở như căn hộ, nhà phố, đất nền sụt giảm mạnh thì nhu cầu thuê nhà mặt phố và mặt bằng bán lẻ lại đang có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí tăng mạnh vào dịp giáp Tết.

Giá thuê tăng nhẹ

Anh Nguyễn Duy, một tiểu thương lâu năm trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, càng về thời điểm cuối năm và giáp Tết, nhu cầu mặt bằng kinh doanh tăng, giá thuê cũng tăng theo. Thị trường mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm TP lớn như Hà Nội luôn có sự đào thải khốc liệt, kẻ đến người đi. Nhưng thực tế các vị trí vẫn luôn nhận được sự quan tâm của khách thuê.

“Bây giờ muốn tìm được một mặt bằng kinh doanh vị trí đẹp mà giá cả phù hợp là điều không hề dễ. Khi đại dịch Covid-19 đã đi qua, nhu cầu và giá mặt bằng cho thuê tăng, nhất là vào dịp cuối năm” - anh Duy cho hay.

Theo số liệu báo cáo từ Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu quý III/2022, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước. Nhìn chung, hiện tại thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự hồi phục tích cực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, đặc biệt là tại thành phố lớn, địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa…

Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đến thời điểm này đạt trung bình 80 - 90%; đối với các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tiếp tục giữ ở mức cao trên 95%.

Tại Hà Nội, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm 600.000 đồng/m2/tháng, khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình đạt 3.000.000 đồng/m2/tháng. Tại TP Hồ Chí Minh, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt, tầng một khu vực ngoài trung tâm đang ở mức 900.000 đồng/m2/tháng, khu vực trung tâm 4.600.000 đồng/m2/tháng. 

Khảo sát thực tế của phóng viên trên thị trường mặt bằng bán lẻ tại Thủ đô Hà Nội, ghi nhận sự phục hồi mạnh do nhu cầu tăng, giá cho thuê đưa ra cũng tương đối cao. Đơn cử tại tuyến phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), một căn nhà mặt phố với diện tích 200m2, đang chào thuê với giá 140 triệu đồng/tháng; cửa hàng 55m2 tại mặt phố Nguyễn Du có giá thuê 39 triệu đồng/tháng; căn nhà 6 tầng diện tích 60m2 mặt tiền 4m trên tuyến phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng) cũng đang được chào giá tới 80 triệu đồng/tháng...

Hầu hết tại các tuyến phố lớn ở quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa… giá cho thuê cũng ở mức cao, tùy thuộc vào diện tích, vị trí, trong đó quận Hoàn Kiếm là địa bàn đạt giá thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ cao nhất Hà Nội, đặc biệt là các vị trí nhà phố thì giá thuê lên đến khoảng 1 triệu đồng/m2/tháng, thậm chí những vị trí đẹp lên đến 2 – 4 triệu đồng/m2/tháng.

Anh Đinh Tuấn - một hộ kinh doanh trên Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, anh và gia đình dự định chuyển nhà vào tháng tới vì căn nhà đang thuê đã được chủ thông báo tăng giá từ 14 triệu lên 17 triệu đồng.

“Gia đình tôi đã thuê căn nhà này được vài năm nay để kinh doanh. Vừa rồi chủ nhà thông báo bắt đầu từ năm mới sẽ tăng giá lên 17 triệu. Covid-19 mới qua không lâu, hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn, khó có thể đáp ứng được giá thuê này. Tôi đã nhiều lần thương lượng và xin chủ nhà cho giảm xuống còn 15 triệu nhưng không thành” - anh Tuấn nói.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù mức giá cho thuê đang có chiều hướng tăng nhẹ, nhưng thực tế thị trường mặt bằng cho thuê cũng đang bị “tổn thương” do những tác động từ dịch Covid-19, đặc biệt là ở khu vực kinh doanh bán lẻ phục vụ khách du lịch, vì thời điểm này lượng khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn chưa cao.

“Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong. Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị, bán hàng trực tuyến” - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Võ Thị Khánh Trang nhận định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phân khúc mặt bằng bán lẻ, đặc biệt là nhà phố cho thuê trong dài hạn vẫn lạc quan. Đến năm 2025, giá trị bán lẻ ngoài cửa hàng được kỳ vọng tăng 15% mỗi năm, trong khi giá trị bán lẻ tại cửa hàng sẽ chỉ tăng 5% mỗi năm.