Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán năm 2020: Giấc mơ màu xanh?

Chuyên gia Tài chính - Chứng khoán Linh Phan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán những phiên cuối năm 2019 đang trải qua chuỗi ngày ảm đạm khi mà khối ngoại đã bán ròng 4 tháng liên tiếp và VN- Index ngược dòng thị trường thế giới, rơi về mốc 950 điểm.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhà đầu tư liệu có tìm thấy những “giấc mơ màu xanh” trên kênh huy động vốn này trong năm 2020.
2019 - năm khó khăn của nhóm cổ phiếu bất động sản
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi đến những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019. Cũng như các năm khác, nhiều yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng đến thị trường này trong năm qua.
Đầu tiên là dòng vốn FDI đăng ký 11 tháng 2019 giảm nhẹ (-7,7%) so với cùng kỳ ở mức 14,7 tỷ đô nhưng lượng FDI giải ngân trong thời gian này đạt 17,6 tỷ đô, tăng (6,8%) chỉ số tăng trưởng (YOY). Thêm vào đó, nghị quyết lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI của Bộ Chính trị định hướng đầu tư có chọn lọc vào các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Hai yếu tố trên khiến cho nhóm dòng cổ phiếu Logistic và bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi rất nhiều.
Thị trường chứng khoán Việt đang được kỳ vọng với những mảng xanh khi bước sang năm 2020. Ảnh: Chiến Công
Thứ hai, lạm phát và tỷ giá được duy trì ổn định. Lạm phát 11 tháng năm 2019 ở mức thấp 2,57% dù những tháng cuối năm giá thịt lợn tăng mạnh do dịch tả lợn châu Phi và dịp cận Tết nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (thấp hơn mức 4% theo kế hoạch). Tỷ giá được duy trì rất ổn định dù diễn biến thế giới có nhiều phức tạp. Điều này giúp cho các nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn khi đầu tư ở Việt Nam. Đặc biệt, dòng vốn của các nhà đầu tư từ Hongkong (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng tăng mạnh thời gian gần đây.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng siết chặt lại dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực được cho là rủi ro như bất động sản và tín dụng tiêu dùng thông qua những quyết định như Thông tư 22 và Thông tư 18. Động thái này khiến cho DN bất động sản phải xoay xở dòng vốn từ các nguồn khác như trái phiếu và phát hành cổ phiếu. Năm 2019 là năm khó của bất động sản nhưng cũng là năm mà thị trường trái phiếu DN rất sôi động.
Thứ tư, về tình hình thế giới, FED đã hạ liên tiếp 3 lần lãi suất trong năm 2019 đồng thời, ECB áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Đây là liều thuốc kích thích cho cả nền kinh tế thế giới và ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, năm 2019 là năm cao trào của Chiến tranh thương mại khi Mỹ tiếp tục áp thuế 25% lên 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng điện tử công nghệ và để đáp trả thì Trung Quốc đã áp mức thuế từ 5 - 10% lên 75 tỷ hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ.
Bên cạnh đó, Trump còn áp thuế lên các mặt hàng thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và cả Việt Nam. Căng thẳng mà Trump gây ra tạo nên một làn sóng bảo hộ lên toàn thế giới khiến cho thương mại thế giới bị đình trệ. Thực tế, khi chiến tranh thương mại nổ ra từ đầu 2018 thì VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm. Và “đỉnh” này vẫn chưa thể quay lại tính đến cuối năm 2019- sau gần 2 năm do những căng thẳng của tình hình Mỹ Trung ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Kỳ vọng gì cho thị trường năm 2020?
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới và trong nước như đã phân tích ở trên, nhà đầu tư chứng khoán có thể kỳ vọng gì về thị trường năm tới? Có thể thấy, năm 2020, chứng khoán Việt vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Đó là lạm phát và tỷ giá kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì ổn định nhờ sự điều hành chính xác của Ngân hàng Nhà nước những năm qua.
 
Năm 2020, dự báo vẫn tiếp tục sẽ là năm khó của các DN bất động sản nhưng vẫn có thể có cơ hội đến từ những khu vực có đầu tư công lớn như khu vực xung quanh sân bay Long Thành, hay những DN bất động sản có quỹ đất lớn và giao thông thuận tiện tại khu vực được ưu đãi thu hút nhiều vốn FDI.
Năm 2020 cũng là năm cuối cùng để các ngân hàng thương mại phải niêm yết lên sàn và đạt chuẩn Basel II. Hiện nay, mới chỉ có 18/30 ngân hàng thương mại niêm yết và cũng chỉ có 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II nên năm tới cũng sẽ là năm kỳ vọng sôi động của dòng “cổ phiếu vua” một thời này.
Năm tới, chúng ta cũng hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ được nâng hạng thị trường theo tiêu chí của FTSE Russel vì ở 2 kỳ đánh giá trước chúng ta đã đạt 7/9 tiêu chí của đơn vị này. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được cả MSCI và FTSE nâng hạng thì ngay lập tức chúng ta sẽ có hơn 1 tỷ USD chảy vào thị trường.
Chiến tranh thương mại cũng được trông đợi bớt căng thẳng hơn vì khi kết thúc cuộc đàm phán hôm 13/12 vừa rồi Mỹ quyết định hoãn không áp thuế mới lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đầu tiên, điều này làm cho tình trạng bảo hộ trên thế giới bớt căng thẳng và thương mại quốc tế sẽ được cải thiện.
Thứ hai, thỏa thuận này cũng giảm bớt tình trạng căng thẳng chiến tranh tiền tệ khi mà Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ. Theo thống kê, từ thời điểm căng thẳng thương mại diễn ra, Trung Quốc đã phá giá 12,5% so với USD từ đầu năm 2018 đến nay. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá của nước ta.
Năm 2020 cũng là năm bầu cử lại Tổng thống Mỹ nên nhiều khả năng Trump sẽ gây áp lực lên FED tiếp tục hạ hoặc giữ lãi suất ở mức thấp như hiện nay nhằm kích thích nền kinh tế. Lý do là không một tổng thống nào muốn đem những thống kê kém tăng trưởng trong nhiệm kỳ của mình đi vận động tái tranh cử.
Như vậy, năm 2020 dự báo là một năm hứa hẹn với thị trường chứng khoán khi mà rất nhiều cổ phiếu có cơ bản và câu chuyện tăng trưởng đã rơi về vùng giá hấp dẫn. P/E thị trường cuối 2019 đã rơi về mức 15 là mức trung bình so với các thị trường trong khu vực, trong khi, Việt Nam luôn được đánh giá là nước đang có tốc độ tăng trưởng thần tốc và môi trường đầu tư ổn định giai đoạn gần đây.
Cá nhân tôi sẽ đặt cược vào một số cổ phiếu dòng ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp có cơ bản và câu chuyện riêng trong năm 2020.

Năm tới, chúng ta cũng hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ được nâng hạng thị trường theo tiêu chí của FTSE Russel vì ở 2 kỳ đánh giá trước chúng ta đã đạt 7/9 tiêu chí của đơn vị này. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được cả MSCI và FTSE nâng hạng, ngay lập tức chúng ta sẽ có hơn 1 tỷ USD chảy vào thị trường.