Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán phân hóa trong quý IV/2018

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục xu thế tăng, hướng tới vùng 1.080 - 1.100 điểm trong 2 tháng tới. Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm sẽ là những thông tin khiến thị trường có sự phân hóa.

 Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) Đỗ Bảo Ngọc 
Cuối tuần qua, VN-Index đã rơi khá mạnh sau khi tiến sát tới ngưỡng kháng cự được chỉ ra cách đây 2 tuần khi giảm hơn 15 điểm, xuống còn 1.008,39 điểm. Với diễn biến này, liệu VN-Index có giữ phong độ ở vùng 1.080 - 1.120 điểm vào cuối năm như VNCS đã từng dự báo không, thưa ông?
- Tại Báo cáo chiến lược đầu tư vào cuối tháng 7/2018, VNCS đã dự báo về sự hồi phục của thị trường và dự kiến mức điểm mà VN-Index có thể đạt được vào những tháng cuối năm 2018 là vùng 1.080 - 1.120 điểm. Hiện tại, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm này. Thực tế cho thấy, VN-Index đã phá vỡ xu thế giảm trong quý I/2018 và hình thành xu thế tăng, vượt qua một số vùng kháng cự quan trọng, thậm chí vượt ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm trong tháng 9.

Điều này cho thấy, dòng tiền đã trở lại và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới khi mặt bằng giá cổ phiếu giảm về mức hấp dẫn với P/E bình quân toàn thị trường quanh mức 14 lần.

Tôi đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trong tháng 10/2018 khi hầu hết những thông tin kém tích cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chiến tranh thương mại leo thang... đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Mức độ tác động của những yếu tố này tới thị trường trong thời gian tới là không đáng kể, trong khi câu chuyện lợi nhuận tăng trưởng khả quan của các DN niêm yết sẽ là điểm sáng trong quý IV tới đây.
 Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán Bảo Việt Hà Nội.  Ảnh: Trần Việt 
Một yếu tố hỗ trợ khác có thể kể đến là khả năng TTCK Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của Tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE Russell trong những ngày cuối tháng 9/2018 và xa hơn là trong kỳ đánh giá tháng 3/2019 của MSCI (Công ty phân tích thị trường tài chính Mỹ) .

Với những kỳ vọng đó, nhiều khả năng dòng tiền sẽ trở lại, nhất là khi kênh đầu tư chứng khoán vẫn cho thấy những ưu điểm so với các kênh đầu tư khác.

Ngoài câu chuyện nâng hạng thị trường, mùa báo cáo tài chính quý III và 9 tháng năm 2018 có tác động hỗ trợ đến thị trường không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2018 sẽ khiến TTCK Việt Nam thời gian tới phân hóa. Từ kết quả kinh doanh 9 tháng, mức độ hoàn thành các mục tiêu lợi nhuận của DN đạt bao nhiêu phần trăm, ta có thể nhìn thấy sơ bộ bức tranh kinh tế cả năm của DN này rồi. Nếu DN có kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng và ngược lại. Sự phân hóa nằm ở chỗ đó.

Ông có khuyến nghị nào cho nhà đầu tư trong các tháng cuối năm 2018?

- Theo quan sát của tôi, trong năm 2018, sự bứt phá lợi nhuận đang được thể hiện rõ ở các ngành ngân hàng, chứng khoán, các công ty đầu ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, bán lẻ và một số lĩnh vực xuất khẩu… Việc đầu tư vào các DN đầu ngành trong những nhóm ngành này, theo tôi, là quyết định hợp lý cho trung và dài hạn.

Nói về nhóm cổ phiếu ngân hàng, từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm này đã có mức tăng trưởng khá lớn về giá. Theo ông, nhóm cổ phiếu này còn dư địa tăng trong những tháng cuối năm không?

- Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng khá lớn trong năm 2018, tuy nhiên đã có sự điều chỉnh trong vài tuần gần đây. Dựa trên kết quả kinh doanh khả quan 6 tháng và tốc độ tăng trưởng của ngành này, tôi cho rằng, năm 2018 sẽ là năm nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vì vậy, đây vẫn là nhóm cổ phiếu được khuyến nghị đầu tư.

Xin cảm ơn ông!