Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường dầu thô tiếp tục xuống giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giới đầu tư đang chờ đợi một loạt dự báo kinh tế sẽ được đưa ra trong tuần này để có cái nhìn tổng quan hơn về khả năng hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

KTĐT - Giới đầu tư đang chờ đợi một loạt dự báo kinh tế sẽ được đưa ra trong tuần này để có cái nhìn tổng quan hơn về khả năng hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dầu thô giảm giá nhẹ xuống dưới mức 77 USD/thùng, do giới đầu tư đang xem xét các báo cáo kinh tế tiếp theo từ Mỹ, cũng như tình trạng bất ổn định của đồng đôla.

Tính đến 3h15 chiều qua (2/11) dầu thô giao tháng 12 giảm 11 xu, xuống còn 76,89 USD/thùng trong giao dịch điện tử trên sàn New York.

Phiên chốt tuần trước, dầu thô đã sụt mạnh tới 2,87USD xuống ngưỡng 77 USD/thùng do đôla Mỹ hồi phục và các thị trường chứng khoán giảm điểm trước tin chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ bất ngờ tụt hạng trong tháng 9.

Báo cáo mới nhất từ tổ chức Conference Board cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 47,7 từ mức 53,4 vào tháng 9/2009. Chỉ số việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm.

Thêm vào đó, việc nước Mỹ vừa chứng kiến vụ phá sản lớn thứ 5 trong lịch sử cũng ảnh hưởng tiêu cực tới xu thế thị trường. CIT Group, ngân hàng thương mại lớn của Mỹ với lịch sử 101 năm hoạt động, đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản với nguồn hỗ trợ tài chính từ tỷ phú Carl Icahn.

Ngân hàng này có tổng tài sản 71 tỷ USD và tổng số nợ 64,9 tỷ USD. Ngân hàng đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có ngân hàng CIT tại New York nộp đơn xin bảo hộ phá sản còn chi nhánh của ngân hàng tại các bang khác của Mỹ vẫn hoạt động bình thường.

Giới đầu tư đang chờ đợi một loạt dự báo kinh tế sẽ được đưa ra trong tuần này để có cái nhìn tổng quan hơn về khả năng hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự kiến báo cáo về việc làm trong tháng 10 của Bộ Lao động Mỹ sẽ được trông đợi nhiều nhất, tiếp đến là các số liệu về sản xuất, dịch vụ, doanh số bán nhà.

Ngoài ra, cuộc họp về chính sách lãi suất cơ bản của các nhà hoạch định chính sách kinh tế, trong đó có chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, trong 2 ngày 3-4/11, cũng được trông đợi sẽ góp phần điều chỉnh thị trường.

Như vậy, tính đến hôm nay, dầu thô đã rớt mạnh từ đỉnh 82 USD/thùng hồi tháng trước, nhờ tín hiệu phục hồi của đôla Mỹ so với các ngoại tệ mạnh khác. Trên thị trường tín dụng ngày 2/11, đồng Euro đã tăng lại, hiện ở mức 1,4757USD. Tại châu Á, 1USD quy đổi được 90,15 Yen, cao hơn mức 89,67 Yen phiên cuối tuần trước.

Dầu sưởi tăng 1,08 xu lên 2,02 USD/gallon trên sàn New York. Xăng giao tháng 12 tăng 0,45 xu lên 1,96 USD/gallon. Tại London, dầu thô Brent giao tháng 12 đứng ở mức 75,20 USD/thùng.

Cũng chịu tác động từ báo cáo chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tháng 9, chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh phiên đầu tuần. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu châu Á về mức giảm, khi sụt tới 2,3%, xuống còn 9.802,95 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,6%, xuống 21.620,19 điểm.

Chỉ số S&P/ASX200 của Australia hạ 2,2%. Thị trường Hàn Quốc giảm 1,4%. Các chỉ số chứng khoán ở New Zealand, Đài Loan và Singapore cũng giảm điểm. Duy nhất có thị trường Trung Quốc lên điểm trong phiên này với chỉ số Shanghai Composite tăng tới 2,7%.