Thị trường dứt cơn bán tháo, VN-Index tăng gần 5 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6, VN-Index tăng 4,73 điểm, tương đương 0,37% lên 1.279,5 điểm. Toàn sàn có 269 mã tăng và 151 mã giảm, 72 mã đứng giá. Thanh khoản toàn thị trường không có nhiều thay đổi so với phiên hôm qua, đạt gần 25.400 tỷ đồng.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ sót lại 3 mã tăng là GAS tăng 0,52%, TCB tăng 0,41% và VIC tăng 0,24%. Dù vậy nhóm blue-chips không hẳn là quá yếu, nhưng các mã mạnh nhất tập trung vào phân khúc trung bình: POW tăng kịch trần 6,81%, PLX tăng 2,76%, BVH tăng 2,48%, GVR tăng 1,8%, SSB tăng 1,34%, BCM tăng 1,13%. Trong nhóm tăng tốt nhất này, chỉ có GVR là vốn hóa khá lớn, đứng thứ 13 trong VN-Index.
Phiên hôm nay, nhóm kéo chỉ số chủ yếu là các cổ phiếu có câu chuyện riêng như DGC (tăng trần), HVN (+3,5%), GVR (+1,8%), POW (tăng trần), PLX (+2,8%), GAS (+0,5%), PGV (+3,5%), REE (+3,1%), BVH (+2,5%), SSB (+1,3%).
Mặt khác, nhóm ghìm chân VN-Index gồm những cái tên như CTG (-1,2%), VPB (-0,8%), FPT (-0,6%), MSN (-1,4%), VND (-1,7%), EIB (-1,1%), FRT (-1,2%), LPB (-0,4%), HDG (-2,6%).
Các nhóm ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như bất động sản và ngân hàng phân hóa mạnh mẽ. Trong khi đó, cổ phiếu bảo hiểm ghi nhận sự bứt phá của một số mã như BVH (+2,5%) hay PGI (+5%).
Nhóm cao su hóa chất, ngoài những mã nằm trong nhóm kéo chỉ số, các cổ phiếu DCM (+1,7%), BMP (+1,1%), PHR (+2,5%), APH (+2,2%), DRC (+1,5%), CSM (+0,6%) cũng có biên độ tăng trưởng tốt. NTL cũng xác lập kỷ lục thanh khoản từ đầu năm với 150,2 tỷ đồng và giá kịch trần. TNH, ITD cũng khớp vài chục tỷ và giá tăng hết biên độ.
Mã HVN của Vietnam Airlines tiếp tục bay cao khi tăng 3,5% lên 32.500 đồng/cp, đóng góp hơn 0,6 điểm vào thị trường. So với thời điểm đầu năm, thị giá mã này đã tăng đến 2,7 lần, từ vùng giá 12.250 đồng/cp. Vốn hóa thị trường theo ở mức 71.968 tỷ đồng. Trong khi đó, đối thủ VJC của Vietjet Airlines lại giảm 0,19% xuống 104.600 đồng/cp.
Nhóm ngành dịch vụ hạ tầng tiếp tục thăng hoa với POW tăng kịch trần lên 14.900 đồng/cp, đóng góp 0,55 điểm vào thị trường, cổ phiếu GAS cũng tăng 0,52% lên 78.000 đồng/cp và đóng góp 0,3 điểm. Ngoài hai mã trên, các mã còn lại trong ngành cũng tăng điểm tích cực, nổi bật HNA tăng kịch trần lên 26.750 đồng/cp.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 9 liên tiếp với giá trị 656 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.420 tỷ đồng và bán ra 2.076 tỷ đồng. Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là FPT 301 tỷ đồng, VPB 106 đồng, DGC 83 tỷ đồng, VNM 78 đồng, MWG 77 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua gom chủ yếu MCH 102 tỷ đồng, DBC 48 tỷ đồng, HSG 47 tỷ đồng, CTR 37 tỷ đồng, TPB 35 tỷ đồng,....
Cổ phiếu DGC bất ngờ tăng kịch trần lên đỉnh lịch sử
Hóa chất là nhóm có mức tăng ấn tượng nhất hôm nay, nổi bật là DGC xuất hiện kỷ lục thanh khoản hôm nay với 13,6 triệu cổ phiếu trị giá trên 1.730 tỷ đồng, giá tăng kịch trần. Phiên tăng hôm nay cũng đưa DGC quay lại đỉnh cao lịch sử tại mốc 130.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá DGC tăng 38%, vốn hóa thị trường theo đó tăng thêm 13.500 tỷ lên gần 49.400 tỷ đồng
Được biết, trong năm 2024, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang lên kế hoạch tổng doanh thu 10.202 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.100 tỷ đồng, giảm 4,4% so với thực hiện trong năm 2023, và cổ tức dự kiến 30%.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024, với lợi nhuận sau thuế đạt 703,91 tỷ đồng, Hoá chất Đức Giang đã hoàn thành 22,7% so với kế hoạch lãi 3.100 tỷ đồng.
Dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng dự kiến khởi công trong tháng 6/2024 được xem là "át chủ bài" của Hóa Chất Đức Giang (DGC) trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay dự án còn một số vướng mắc trong việc hoàn tất hồ sơ phòng cháy, chữa cháy.