Thị trường Halal Singapore giàu tiềm năng cho doanh nghiệp Hà Nội khai thác

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường thực phẩm hồi giáo (Halal) Singapore, Sở Công Thương Hà Nội và Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức Hội nghị tìm hiểu thị trường Halal Singapore và kết nối doanh nghiệp 2 nước.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho hay, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt Nam - Singapore phát triển mạnh mẽ. Hiện Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam với khoảng 3.000 dự án, từ công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, sản xuất điện, bán buôn bán lẻ tới khoa học công nghệ.

Năm 2022 tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tăng 11,6% so với năm 2021, trong đó sản phẩm Halal đóng góp một phần không nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu.

Doanh nghiệp Singapore tiếp cận sản phẩm Halal do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Singapore tiếp cận sản phẩm Halal do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hoài Nam

“Nhận thức tầm quan trọng của thị trường Halal, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Vì vậy Singapore là điểm lý tưởng cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung Hà Nội nói riêng xuất khẩu sản phẩm Halal sang Singapore và tái xuất sang các thị trường khác” - Đại sứ Mai Phước Dũng thông tin.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Hà Nội sau Nhật Bản, đồng thời  cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của các doanh nghiệp Hà Nội. Riêng với sản phẩm Halal, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển như dược phẩm, thực phẩm và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất quan tâm tới chứng nhận Halal.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho thấy, hiện Singapore chỉ tự chủ được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm, 90% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, thực phẩm chế biến đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Singapore, với kim ngạch lên đến 9 tỷ USD/năm, trong đó 70% giá trị xuất khẩu là các mặt hàng có chứng nhận Halal.

Với tỷ lệ cao dân số là người Hồi giáo và rất nhiều khách du lịch là người Hồi giáo, nên Singapore cũng có hệ thống phân phối các sản phẩm Halal rộng khắp với rất nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, các sản phẩm tạm nhập tái xuất vào thị trường thứ 3 chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm Halal.

Doanh nghiệp Singapore tiếp cận sản phẩm Halal do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Singapore tiếp cận sản phẩm Halal do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hoài Nam

Khẳng định lợi thế của chứng nhận Halal tại thị trường Singapore, Giám đốc điều hành Warees Hala Pte Ltd Dewi Hartaty Suratty cho hay: Khi có chứng chỉ Halal, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận 2 tệp khách hàng, gồm: Khách hàng là người Hồi giáo và khách hàng không phải người Hồi giáo.

“Việc đạt chứng chỉ Halal đã khó nhưng quản lý và sử dụng đúng còn khó hơn, do đó doanh nghiệp cần có nhân lực cho công tác quản lý, vận hành chứng chỉ này. Ngoài ra, chứng chỉ Halal không được phép chuyển giao và không sử dụng sai logo của Halal” - bà Hartaty Suratty lưu ý,

Singapore còn có hệ thống chứng nhận Halal được thừa nhận bởi các quốc gia hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia và những đối tác thương mại lớn là UAE, Úc, châu Âu và Mỹ. Có thể nói, Singapore là cửa ngõ lý tưởng cho sản xuất, thương mại, tái xuất sản phẩm thực phẩm Halal vào các quốc gia Hồi giáo lớn thông qua hệ thống hạ tầng logistics và thương mại quốc tế.