Thị trường hàng không quốc tế tăng mạnh từ các tháng hè 2023

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Hàng không Việt Nam dự kiến thị trường hàng không quốc tế trong các tháng hè 2023 sẽ đạt mức 2,5 -3 triệu khách/tháng với tỷ lệ hồi phục tăng dần từ 78% đến 80% so các tháng cùng kỳ 2019.

Dần phục hồi

Ngay sau khi Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022, tiếp đó là khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022, các hãng hàng không nội địa cũng như nước ngoài đã từng bước khôi phục hoạt động khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang dần phục hồi. Ảnh: Trung Nhân.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang dần phục hồi. Ảnh: Trung Nhân.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong quý II/2022, tốc độ hồi phục hoạt động khai thác trên các đường bay quốc tế diễn ra chậm, mặc dù các hãng hàng không nội địa cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống nhưng tần suất còn thấp, do nhu cầu thị trường rất thấp.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2023, Việt Nam có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không nội địa đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ với là ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi.

Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam đã mở cửa trở lại, tuy nhiên tần suất khai thác của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc mới đạt khoảng 50% so với giai đoạn trước dịch. Qúy I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 7,1 triệu khách, bằng xấp xỉ 68% so cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục hàng không Việt Nam, trong giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục và với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3/2023, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý I/2023.

Tháng 4/2023, có 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ với Việt Nam. Ảnh: Trung Nhân.
Tháng 4/2023, có 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ với Việt Nam. Ảnh: Trung Nhân.

“Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan.

Đáng chú ý, các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch” – ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Kỳ vọng năm 2023

Theo ông Bùi Minh Đăng, hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Dự kiến, thị trường hàng không quốc tế trong các tháng hè sẽ đạt mức từ 2,5 triệu khách đến 3 triệu khách/tháng với tỷ lệ hồi phục tăng dần từ 78% đến 80% so các tháng ứng cùng kỳ 2019. Thị trường hàng không quốc tế sẽ hoàn toàn hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19 vào các tháng cuối năm 2023. Tính cho cả năm 2023, dự báo thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đạt khoảng 34 triệu khách, bằng xấp xỉ 84% so năm 2019.

Thị trường khách quốc tế sẽ tăng mạnh trong các thàng hè 2023. Ảnh: Trung Nhân.
Thị trường khách quốc tế sẽ tăng mạnh trong các thàng hè 2023. Ảnh: Trung Nhân.

Còn theo thống kê của Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh, trong quý I/2023, đã có 1.015 chuyến bay quốc tế đến Khánh Hòa (trong đó có 839 chuyến Hàn Quốc và 11 chuyến Trung Quốc. Số chuyến bay quốc tế dự kiến đến Khánh Hòa trong quý II khoảng 2.591 chuyến tăng hơn 1.500 chuyến so với quý I/2023. Trong đó, có 826 chuyến Hàn Quốc và 1.569 chuyến Trung Quốc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chuyên phục vụ khách quốc tế lại cho rằng, hiện kế hoạch bay của các hãng hàng không có tăng, đặc biệt là các chuyến bay từ Trung Quốc tuy nhiên nhóm khách này vẫn tăng chưa tương xứng với kế hoạch bay.

Do đó, để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới, các doanh nghiệp cho rằng, trước mắt Việt Nam cần sớm nhất quay về các chính sách visa như trước Covid-19. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị Việt Nam cần tổ chức các chiến dịch quảng bá điểm đến hiệu quả, trước mắt tập trung tại các thị trường chính (Mỹ, Canada, châu Âu, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore...). Cùng với đó là sớm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch tại các địa bàn trọng điểm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.

Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty lữ hành Saigontourist, về biện pháp quảng bá điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, do hầu hết các công ty du lịch ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề trong gần 3 năm dịch Covid-19, nên sẽ bị hạn chế về nguồn lực dành cho tiếp thị - quảng bá.

Do đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, của Tổng cục Du lịch cần được phát huy hơn bao giờ hết nhằm đẩy mạnh quảng bá điểm đến.

“Trong giai đoạn 2023 - 2025, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến các biện pháp ứng dụng công nghệ cao và các kênh online, kênh mạng xã hội, các ứng dụng du lịch hiện đại bên cạnh các biện pháp truyền thống. Đây là những công cụ quan trọng để mở rộng nhanh nhất phạm vi giới thiệu các điểm đến du lịch của Việt Nam và cần được Tổng cục Du lịch tham gia xây dựng, quản lý và phát triển một cách chuyên nghiệp, đa ngôn ngữ và mang tính kết nối tổng thể giữa điểm đến Du lịch Việt Nam với chuỗi công ty lữ hành, công ty cung cấp dịch vụ du lịch trên toàn quốc.

Đồng thời, đây cũng là kênh để cập nhật những thông tin mới nhất và chính xác nhất về các chính sách phát triển du lịch tại Việt Nam (đặc biệt là chính sách về an ninh, an toàn xã hội, hệ thống y tế, chính sách visa…)” – ông Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần