Thị trường lao đao, Vietbank giảm mạnh lãi từ đầu tư chứng khoán

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu VBB của Vietbank đã hồi phục nhẹ trong giai đoạn gần đây, nhưng vẫn chưa đủ để kéo lại mức giảm từ đầu năm đến nay.

Cổ phiếu bluechips kéo trụ

Thị trường chứng khoán xuất hiện lực bán sau 2 phiên tăng điểm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 4/8, VN-Index tăng 4,39 điểm (0,35%) lên 1.254,15 điểm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (0,13%) về 297,73 điểm, UPCoM-Index tăng 0,55 điểm (0,61%) lên 90,86 điểm.

Cổ phiếu VBB giảm mạnh từ đầu năm đến nay.  
Cổ phiếu VBB giảm mạnh từ đầu năm đến nay.  

Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 19,7 nghìn tỷ đồng. Thị trường sau những phiên tăng điểm mạnh thì đến phiên hôm qua đã bắt đầu xuất hiện lực bán nhất định chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu dòng midcap.

Tuy nhiên sự khởi sắc của các mã Bluechips như VCB, VHM, NVL.. giúp VN-Index không giảm điểm trước những ảnh hưởng tiêu cực từ một số mã vốn hóa lớn như GAS, SAB, MSN, VGC…

Thị trường vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh mẽ giữa nhiều nhóm ngành. Tiêu biểu như nhóm bất động sản, dầu khí, nông nghiệp, thủy điện, thủy sản, dịch vụ tài chính... Trong đó, ngân hàng trở thành nhóm ngành dẫn dắt thị trường khi xuất hiện "đầu tàu" nâng đỡ mạnh nhất chỉ số chính phiên hôm nay là VCB.

Với mức tăng 3,77%, nhà băng lớn VCB lan tỏa sang NAB, SGB, BVB, VPB, VBB… đều tăng điểm tốt với biên độ 1,4%-2,8%. Tuy vậy, chiều giảm giá trong nhóm ngân hàng ghi nhận STB, CTG, EIB, BAB… giảm nhẹ dưới 1%.

Một trong những cổ phiếu ngân hàng ghi nhận đà tăng trong phiên này đó chính là VBB. Chốt phiên, VBB tăng 0,93% lên mốc 10.800 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của mã này, đưa mức tăng tính theo tuần đạt 3,85% giá trị. Còn tính từ đầu năm đến nay, VBB vẫn là một trong những mã cổ phiếu giảm điểm sâu nhất với mức giảm gần 43%.

Về tình hình kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – VBB), theo BCTC hợp nhất quý 2/2022 của ngân hàng này, trong quý 2, VietBank thu về hơn 568 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, gấp 2.35 lần cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 44%, thu hơn 25 tỷ đồng, nhờ tăng thu hoạt động thanh toán và bảo lãnh.

Đáng chú ý, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 99%, chỉ còn gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động khác đem về khoản lãi tăng 90%, lên mức gần 82 tỷ đồng, nhờ tăng thu từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro.

Quý này, VietBank dành hơn 94 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3 lần cùng kỳ. Kết quả, ngân hàng báo lãi trước thuế gần 275 tỷ đồng, tăng 36%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VietBank trích đến 168 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 6 lần cùng kỳ. Ngân hàng thu được gần 388 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 19%. Nếu so với kế hoạch 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, VietBank chỉ mới thực hiện được 36%.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản ngân hàng này tăng 6% so với đầu năm, lên mức 109.667 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại TCTD tăng 14% (16.524 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 11% (56.222 tỷ đồng)… Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 8% (71.849 tỷ đồng).

Tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2 tăng 19% so với đầu năm, chiếm 2.196 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Nợ có khả năng mất vốn tăng đến 62%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,65% đầu năm lên 3,91%.

Xu hướng tăng trong ngắn hạn

Nhận định về phiên giao dịch ngày 5/8, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho tằng, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp. VN-Index có thể thử thách vùng kháng cự 1.260 – 1.285 điểm. Đồng thời, các chỉ số đang rơi vào vùng quá mua ngắn hạn cho nên thị trường sẽ liên tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua vào ở một vài phiên tới, hoặc có thể xem xét chốt lời một phần ở những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời trên 5% và chờ mua lại ở nhịp điều chỉnh.

Còn Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, về kỹ thuật, VN-Index hiện đang tiến vào vùng cản kỹ thuật 1.250 điểm - 1.262 điểm, do vậy các nhịp điều chỉnh trong phiên sẽ thường xuyên diễn ra, thậm chí thị trường có thể điều chỉnh theo phiên khi giao dịch ở nhóm cổ phiếu trụ trở lại trạng thái cân bằng, và thị trường phái sinh cũng dự phòng rủi ro “trả điểm” ở nhóm cổ phiếu bluechips.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, độ rộng thị trường khá cân bằng với 9/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành bán lẻ có mức tăng mạnh mẽ nhất. Sau khi hoàn thành mẫu hình 3 white soldiers, thị trường đang thể hiện lưỡng lự với sự xuất hiện của cây nến Doji. Nếu phiên ngày 5/8 thị trường đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 thì nhiều khả năng trong ngắn hạn chỉ số sẽ tích lũy quanh vùng 1.235 - 1.255 để lấy đà bật lên, còn nếu không thì chỉ số sẽ tiếp tục con đường chinh phục gap 1.260 - 1.280.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần