Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường lao động Quảng Ngãi sôi nổi ngay từ đầu năm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cần tuyển dụng hơn 18.200 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Cơ hội việc làm tại Quảng Ngãi

Sáng 15/2, hàng nghìn người đã về tham gia Ngày hội việc làm Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại TP Quảng Ngãi để tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và nguyện vọng.

Ngày hội việc làm Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại TP Quảng Ngãi.
Ngày hội việc làm Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại TP Quảng Ngãi.

Năm nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động với đa dạng các cấp trình độ và ngành nghề của vị trí làm việc. Từ đó, mở ra cơ hội lớn về việc làm cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động thất nghiệp.

“Hòa Phát dự kiến tuyển hơn 3.000 lao động. Công ty sẽ mời các trường về hợp tác để đào tạo cho công nhân. Rất hy vọng với sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng của Quảng Ngãi, chúng tôi sẽ tuyển dụng đủ nhân lực”- ông Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng nhân sự Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất, cho hay.

Ông Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng nhân sự Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất.
Ông Lưu Thanh Tùng, Trưởng phòng nhân sự Công ty CP Thép
Hòa Phát - Dung Quất.

Qua thống kê, nhu cầu tuyển dụng yêu cầu có trình độ bằng cấp, chứng chỉ chiếm hơn 34%. Để thu hút được lao động, bên cạnh việc đảm bảo mức lương tốt, nhiều nhà tuyển dụng cũng đưa ra các chính sách ưu đãi và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

“Tôi tham gia Ngày hội để trực tiếp gặp đơn vị tuyển dụng và đăng ký ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật viên cơ khí. Mong sẽ tìm được việc làm đúng chuyên môn ngay tại quê nhà”- anh Đỗ Tấn Cảnh (24 tuổi, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) chia sẻ.

Người lao động đăng ký ứng tuyển với doanh nghiệp tuyển dụng.
Người lao động đăng ký ứng tuyển với doanh nghiệp tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Ngày hội việc làm còn cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Theo ông Nguyễn Tấn Đối - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi, năm 2024, tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 10.300 lao động. Đặc biệt, có trên 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ sau giai đoạn dịch Covid-19 đến nay.

Năm 2025, ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất - kinh doanh. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, nhiều ngành nghề như: dệt may, đồ gỗ nội thất, xây dựng, linh kiện điện tử, luyện cán thép... ghi nhận lượng đơn hàng gia tăng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xây dựng và triển khai sớm kế hoạch tuyển dụng bổ sung lao động để bảo đảm lực lượng cho sản xuất, kinh doanh. 

"Dự báo năm 2025, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 18.200 lao động, cao hơn năm 2024 là 4.000 lao động"- ông Đối cho hay.

Vẫn còn nhiều biến động

Tuy nhiên, thị trường lao động - việc làm ở tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều biến động. Thực tế, dù lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng không hề dễ dàng, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; vẫn tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Dù lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng không hề dễ.
Dù lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng không hề dễ.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đề nghị các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ngãi.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm.

Nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động.

Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực và chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư.

Doanh nghiệp tuyển dụng cung cấp thông tin cho người lao động.
Doanh nghiệp tuyển dụng cung cấp thông tin cho người lao động.

“Về phía doanh nghiệp, chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề tuyển dụng hàng năm. Tích cực, chủ động sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, tìm kiếm mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng mà doanh nghiệp có lợi thế; bảo đảm duy trì, tạo thêm việc làm. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động”- ông Tuấn nhấn mạnh.