Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nội địa: "Trụ đỡ" cho hàng Việt trong đại dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chú trọng khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân là cách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc phát triển thị trường nội địa đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phía từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý.

“Bẻ lái” về sân nhà

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng lưu chuyển hàng hóa. Để phục hồi, phát triển nhiều doanh nghiệp đã “bẻ lái” đưa sản phẩm Việt về “sân nhà” tiêu thụ.

Là một trong những doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, song trong những năm gần đây, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã đầu tư hơn cho thị trường nội địa. "Thị trường nội địa với 100 triệu dân là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất thời trang khai thác”- Chủ tịch HĐQT VitaJean Phạm Văn Việt nêu rõ.

Thực tế cho thấy để thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, thời gian qua, bên cạnh việc quảng bá thương hiệu V-Sixtyfour, doanh nghiệp đã đẩy mạnh cải thiện phom dáng, màu sắc phù hợp nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam.

Sản xuất hàng thời trang tại Công ty CP may Sơn Tây ( thị xã Sơn Tây)
Sản xuất hàng thời trang tại Công ty CP may Sơn Tây ( thị xã Sơn Tây)

Một số DN khác đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng phục vụ thị trường nội địa. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát (huyện Thạch Thất) Nguyễn Duy Khiêm, Trung Quốc đóng cửa biên giới do Covid-19 nên mặt hàng đồ gỗ như bàn, ghế, tủ… dành cho trẻ em gián đoạn. Vì vậy doanh nghiệp đã chuyển đổi từ sản xuất hàng xuất khẩu sang cung ứng cho thị trường nội địa, hạn chế rủi ro khi phụ thuộc xuất khẩu Trung Quốc.

Sự đứt gãy nguồn cung sản phẩm nhập khẩu cũng là cơ hội cho DN sản xuất hàng Việt vươn lên biến “nguy” thành “cơ”, và khẳng định được thương hiệu tại thị trường nội địa. Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao Tô Văn Nhật cho biết, dịch Covid-19 khiến số lượng nhập khẩu các thiết bị điện, van vòi, ống nước… không đáp ứng được nhu cầu. Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đơn vị đã đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó giảm giá bán đủ sức cạnh tranh hàng ngoại nhập.

Đánh giá về vai trò của thị trường nội địa trong sự phát triển kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng, nhiều năm gần đây, tổng tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 70 - 75% GDP, là lực cầu rất lớn cho doanh nghiệp khai thác. Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thu nhập giảm sút, kinh tế khó khăn, người dân vẫn có nhu cầu tiêu dùng không chỉ hàng hóa thiết yếu mà còn cả du lịch, dịch vụ.

“Ngay sau khi kết thúc thời gian giãn cách phòng dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt 4.789,5 nghìn tỷ đồng. Con số này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa trong tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ hàng Việt”- ông Võ Trí Thành nêu ví dụ.

Hàng Việt phải chinh phục người Việt

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2022, thị trường nội địa sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ & vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nhấn mạnh, thị trường nội địa có nhiều tiềm năng không chỉ về mặt kinh tế mà còn là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. “Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nước nào giữ được thị trường nội địa đều có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa”- ông Tô Hoài Nam chia sẻ.

Chia sẻ về những định hướng chinh phục tốt hơn thị trường nội địa, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông nêu rõ, Bộ Công Thương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, hàng Việt sẽ chiếm 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa, 70% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam.

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Tuy nhiên, để khai thác thị trường nội địa đòi hỏi các DN, địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng mối liên kết qua đó khai thác hết tiềm năng thị trường này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần xác định thị trường nội địa là nơi giúp doanh nghiệp đứng vững trong Covid-19. Nhưng để làm được điều này doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp bán lẻ “bắt tay” chặt hơn với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đủ tiêu chuẩn chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Quốc Thịnh (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh) nhìn nhận, muốn hồi phục sản xuất, khai thác thị trường nội địa, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, áp dụng công nghệ tiên tiến còn đòi hỏi doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu, bởi đây là yếu tố then chốt giúp hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu trên sân nhà.

“Để hàng Việt tăng kim ngạch xuất khẩu,chiếm lĩnh thị trường nội địa đòi hỏi doanh nghiệp chủ động xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời các thương hiệu Việt cần đẩy mạnh liên kết với nhau tạo thành “quả đấm thép” đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập”- TS Nguyễn Quốc Thịnh nêu rõ.

 

Hiện, Chính phủ đang có những giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh cơ hội này, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, bắt kịp nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, hàng Việt Nam phải chinh phục tốt người tiêu dùng Việt Nam

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành

Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khai thác thị trong nước, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, trong năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo chiều sâu về cách thức, chất lượng triển khai Cuộc vận động. "Chúng ta sẽ vận động làm sao để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam, giúp hàng Việt Nam thắng trên sân nhà khi 17 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng nước ngoài bắt đầu tràn vào thị trường nội địa khi thuế đã hạ xuống"- bà Lê Việt Nga nêu rõ.

Có thể nói, thị trường nội địa luôn là điểm tựa cho hàng Việt trụ vững trước dịch Covid-19, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả… từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, thị phần và vị thế của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.