Thị trường thế giới lao đao vì Nhân dân tệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/8, Trung Quốc tiếp tục cho giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với USD, kéo mức giảm của đồng tiền này xuống 4% trong 2 ngày qua.

Gần như ngay lập tức, thị trường chứng khoán và đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển đều sụt giảm mạnh.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ mất 212,33 điểm trong ngày 12/8.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ mất 212,33 điểm trong ngày 12/8.
Trong vòng một thập kỷ qua, đồng nội tệ Trung Quốc đã tăng mạnh hơn tốc độ của USD, một xu hướng mà Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PboC) muốn đảo ngược nhằm giành lợi thế cho các nhà xuất khẩu nội địa, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế yếu kém. Cụ thể, PBoC ngày 12/8 ấn định tỷ giá tham chiếu giao dịch đồng NDT thấp hơn mức giá đóng cửa chiều 11/8 còn 6,3306 NDT/USD, giảm gần 4% so với mức 6,1162 NDT/USD ngày10/8. Điều này tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ của nhiều quốc gia.

Theo đó, phiên giao dịch ngày 12/8 chứng kiến chỉ số chứng khoán MSCI châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm ngay 1,5%, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm trung bình 212,33 điểm (tương đương 1,21%). Tại sàn Trung Quốc, chỉ số Thượng Hải giảm 1,06% xuống còn 3.886,32 điểm. Chỉ số Shenzhen giảm 1,55% xuống còn 13.117,1 điểm. Chỉ số thị trường DN nhỏ ChiNext giảm 2,84% xuống còn 2.622,19 điểm. Sàn chứng khoán Tokyo cũng không khả quan hơn khi chỉ số Nikkei 225 giảm 327,98 điểm so với hôm 11/8 tại 20.392,77 điểm. Chỉ số Topix tại sàn Tokyo giảm 21,85 điểm (tương đương 1,29%) xuống còn 1.665,75 điểm.

Không chỉ vậy, đồng tiền của các quốc gia châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines… đều giảm. Nguy hiểm hơn, các nhà phân tích lo ngại rằng sự giảm giá của NDT sẽ tạo ra nguy cơ về cuộc chiến tiền tệ khi các ngân hàng T.Ư trên toàn thế giới tìm cách hạ giá đồng tiền để ứng phó với hành động của Bắc Kinh. Trên thị trường hàng hóa, đồng NDT giảm giá mạnh có thể kích hoạt áp lực giảm phát; Bộ chỉ số CRB Index do hãng Thomsom Reuters lập để theo dõi biến động giá 19 mặt hàng chủ lực hiện đang dao động ở mức thấp nhất kể từ năm 2003. Giá dầu đã giảm 3,75% xuống mức 43,35 USD/thùng, giao dịch mua bán năng lượng của các nhà tiêu thụ nguyên liệu thô lớn trên thế giới cũng bị kiềm chế, giá đồng giảm 0,9% trong khi kẽm, bạc và chì đều giảm hơn 1%.

Hiện, các nhà phân tích đều lo lắng việc giảm giá của đồng NDT sẽ làm bùng phát một cuộc chiến tiền tệ, tăng bất ổn kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ giúp cho thị trường vàng hưởng lợi bởi các nhà đầu tư tìm đến vàng như một phương thức đầu tư an toàn cho đồng vốn của mình. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8 tại thị trường Mỹ, giá vàng cũng tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần qua, lên 1.108,66 USD/ounce.

Người phát ngôn của PBoC giải thích rằng, điều chỉnh tỷ giá là một hành vi cải cách theo hướng thị trường, song các chuyên gia đều cho rằng, hành vi của Trung Quốc mở đầu cho một xu hướng giảm giá đồng tiền trong dài hạn để tăng sức cạnh tranh của ngành xuất khẩu đang gặp khó khăn của nước này.