Thị trường thép 1 tuần qua: Giảm lần thứ 14, xuất khẩu chuyển biến tích cực

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm dẫn tới các nhà máy tăng cường xuất khẩu, giảm tồn kho - giúp sản lượng xuất khẩu thép xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực.

Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng trong ba tháng gần đây. Ảnh: Hoasengroup
Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng trong ba tháng gần đây. Ảnh: Hoasengroup

Ngày 16/8, giá thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 14. Đây là lần giảm thứ 3 tính riêng trong tháng 8. Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm 310 đồng với 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 từ mức 14.880 xuống còn 14.570 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.740 đồng/kg xuống còn 15.430 đồng/kg.

Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng trong ba tháng gần đây. Ảnh: Hoasengroup
Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng trong ba tháng gần đây. Ảnh: Hoasengroup

Đáng chú ý, thép Pomina tại thị trường miền Nam điều chỉnh giảm sâu với mức giảm lần lượt là 610 và 710 đồng. Theo đó, dòng thép cuộn CB240 hạ xuống mức 15.280 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.480 đồng/kg.

Với việc các nhà máy áp dụng một tuần một giá mới khiến nhà phân phối cũng như các đại lý tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc giá thép đi xuống khiến cho doanh thu bán hàng của các DN thép sụt giảm lợi nhuận. Với thép Hòa Phát, doanh thu thuần quý II năm nay đạt 37.422 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ quý III/2019.

Tập đoàn Hoa Sen còn báo cáo doanh thu thuần suy giảm, ghi nhận doanh thu đạt 12.177,2 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 265 tỷ đồng, giảm 84,4% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 22,7% về chỉ còn 13,1%.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến thị trường chững lại. Nhu cầu tiêu thụ thép giảm sút do mùa vụ và giải ngân đầu tư công chậm.

Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.

Hiện nay, các nhà máy áp dụng một tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn, các nhà máy càng khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và giữ thị phần.

Số liệu từ VSA cho thấy, tổng kết tháng 7, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 1 triệu tấn, tăng 14% so với tháng 6 và tăng 18% so với tháng 7/2021. Bán hàng thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, giảm nhẹ 1,5% so với tháng trước nhưng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản xuất và bán hàng thép xây dựng lần lượt đạt 7,7 triệu tấn và 7,5 triệu tấn, tăng 3,5% và 5% so với cùng kỳ năm 2021. Về phần xuất khẩu, thép xây dựng đạt 209.067 tấn, tăng 20% so với tháng 7/2021.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng của tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 147.000 tấn, tăng 81% so với cùng kỳ 2021, chiếm gần 70% tổng lượng xuất khẩu thép xây dựng. Đây là yếu tố chính giúp thép Hòa Phát duy trì đà tăng sản lượng bán hàng so với năm trước.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thép xây dựng cả nước đạt 1,5 triệu tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn Hòa Phát, các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với giá xăng dầu cao đã làm tăng chi phí vận chuyển.

Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý II năm nay tăng 205 tỷ đồng, tương ứng 61%, so với quý II/2021. Đây là một trong những nguyên nhân chính cho chi phí bán hàng tăng tới 79% lên 737 tỷ đồng.

Hoa Sen cũng ghi nhận chi phí xuất khẩu tăng gần 43% so với cùng kỳ lên mức 522 tỷ đồng mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 26,8% xuống còn 230.230 tấn thép thành phẩm.

Tiêu thụ của Hoa Sen ở nước ngoài giảm xuống do lo ngại nền kinh tế toàn cầu giảm tốc. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu tôn giảm 26,6% còn 223.393 tấn, xuất khẩu ống thép lao dốc 32,1% còn 6.837 tấn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần