Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường thiết bị vệ sinh: Sản phẩm thân thiện môi trường lên ngôi

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tiêu chí lựa chọn thiết bị nhà vệ sinh của người dùng ngày càng khắt khe nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo đảm môi trường sống xanh, sạch.

Xu hướng tiêu dùng mới

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các đại lý chuyên cung cấp thiết bị vệ sinh trên đường Hoàng Quốc Việt, Cát Linh, Láng..., đa phần khách hàng ưa chuộng những hãng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước và điện, bởi tính tiện ích cũng như giảm bớt chi phí sinh hoạt cho gia đình. Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết bị vệ sinh thông minh, có thể điều khiển bằng điện thoại hoặc bằng giọng nói, mang lại sự tiện lợi và hiện đại cho người dùng cũng thu hút chú ý.

Nhiều khách hàng ưa chuộng những hãng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước và điện bởi tính tiện ích cũng như giảm bớt chi phí sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: Hải Linh
Nhiều khách hàng ưa chuộng những hãng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước và điện bởi tính tiện ích cũng như giảm bớt chi phí sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: Hải Linh

Nhiều chủ cửa hàng cho hay, hiện nay, sức mua các mặt hàng thiết bị vệ sinh đã có nhích nhẹ so với cùng kỳ hai, ba năm trước. Theo ông Trần Huy, chủ đại lý thiết bị vệ sinh trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), hiện những sản phẩm bền vững, tuổi thọ cao nhận được nhiều sự ưu ái của người tiêu dùng. Những thiết bị vệ sinh thân thiện với môi trường được yêu thích và đánh giá cao.

Ngoài ra, khảo sát tại các đại lý, để thu hút cũng như kích cầu mua hàng dịp cao điểm xây dựng cuối năm, rất nhiều đại lý tiếp tục tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi với các mẫu mã đa dạng. Ví dụ như các loại bồn cầu 1 khối của các thương hiệu Inax, Viglacera hay Toto có giá trung bình dao động từ 2,6 - 6,1 triệu đồng tùy vào dòng sản phẩm. Với bồn cầu 2 khối có giá thành rẻ hơn, lắp đặt nhanh hơn và chi phí cũng sẽ thấp hơn nữa. Giá bồn cầu 2 khối có giá thấp nhất dao động từ 1,4 - 2,8 triệu đồng, tùy vào dòng sản phẩm, thương hiệu sẽ có các mức giá khác nhau.

Yếu tố bảo đảm môi trường được chú trọng

Không chỉ quan tâm tới các thiết bị vệ sinh mang lại hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí, hiện nay nhiều gia đình khi bắt đầu xây, sửa nhà vệ sinh cũng chú ý đến các sản phẩm xử lý nước thải để bảo đảm nguồn nước khi được xả ra ngoài môi trường luôn ở mức an toàn, bảo vệ môi trường sống. Trong đó, bồn tự hoại thông minh là sản phẩm đang rất được ưa chuộng trong các gia đình vì có thể khắc phục được hầu hết những nhược điểm của bể phốt bê tông truyền thống.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài hạn chế về khả năng chống thấm, chống rò rỉ và xử lý mùi hôi thì bất cập lớn hơn nữa là công nghệ lắng tràn của bể phốt bê tông truyền thống chỉ có thể xử lý được khoảng 50 - 70% lượng chất thải hữu cơ, còn lại sẽ thải trực tiếp ra ngoài môi trường qua đường thoát nước. Điều này là nguyên nhân trực tiếp khiến nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn nước thải ra môi trường bốc mùi hôi thối, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

Nhận định về bồn tự hoại, KTS Ngô Tâm lưu ý, trên thực tế, việc xử lý nước thải sinh hoạt bằng hệ thống bể truyền thống rất phổ biến, kéo theo các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Chất thải từ các gia đình, khu chung cư, khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường.

"Việc xây bể phốt bê tông truyền thống, trong nhiều gia đình từ trước đến nay, thường không tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật mà nhiều khi theo sự quyết định của chủ nhà. Với tâm lý xây nhà theo ý của mình, khu vực này thường xuyên khó tránh khỏi quá tải, rò rỉ và xuống cấp do quá trình thiết kế và thi công không bảo đảm tải trọng, mức độ chịu không đồng đều" - KTS Ngô Tâm cho biết.

Theo đại diện Tập đoàn Sơn Hà, trước đây các gia đình hầu hết đều xây bể phốt bê tông xây ngầm dưới đất, cấu tạo bể có từ 2 - 3 ngăn, nhiều hình dạng, được xây bằng gạch, bê tông cốt thép đúc sẵn hoặc đổ tại chỗ. Tuy nhiên, tuổi thọ công trình thấp, thi công phức tạp, tốn nhân công và thời gian thực hiện. Sau một thời gian sử dụng, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập. Hiện tượng nứt vỡ, tắc bể phốt, rò rỉ và tràn ngược nước thải… khiến cho cuộc sống sinh hoạt của các gia đình bị xáo trộn.

Khác với bể phốt truyền thống, bể tự hoại thông minh có sự cải tiến vượt trội nhờ sử dụng vật liệu nhựa nguyên sinh nhập khẩu (LLDPE), kết cấu 3 lớp, thiết kế dạng hình cầu và cấu trúc gân nổi. Phần chân đế có khả năng nâng đỡ chắc chắn, có thể chịu được những tác động khác nhau. Nhờ đó, bể tự hoại thông minh có độ bền cao, góp phần bảo vệ môi trường sống.

"Giống như bể phốt bê tông, bể phốt nhựa cũng được chôn dưới đất và có nguyên lý hoạt động giống như hệ thống xử lý nước thải cục bộ khác. Tuy nhiên, thay vì phải mất nhiều công sức xây dựng và lắp đặt cố định như bể phốt truyền thống, thì rõ ràng, bể phốt nhựa gọn nhẹ, có tính cơ động hơn rất nhiều" - đại diện Tập đoàn Sơn Hà cho hay.