Một người mua hàng của Prime Now thuộc Amazon. |
Theo nghiên cứu chung của Temasek Holdings và Google dự đoán, TMĐT Đông Nam Á sẽ đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020 và 88 tỷ USD vào năm 2025. Ngày 27/7/2017, Amazon chính thức bước chân vào thị trường TMĐT ở Đông Nam Á sau nhiều năm đứng ngoài. Theo đó, Amazon đã chọn Singapore - một quốc đảo nhỏ bé nhưng cực kỳ phát triển làm bàn đạp bước vào thị trường Đông Nam Á. Trong đó, Prime Now đóng vai trò tiên phong cho Amazon, cung cấp giao hàng trong vòng 2 giờ. Tại Singapore, Amazon áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống “cả thế giới trong một cú nhấp chuột” bằng việc xây dựng hàng loạt nhà xưởng rộng lớn cung cấp không thiếu thứ gì. Sau khởi đầu tốt đẹp ở Singapore, Giám đốc Prime Now khu vực châu Á - Thái Bình Dương Henry Low không giấu diếm tham vọng mở rộng thị trường Đông Nam Á, nơi có tầng lớp trung lưu đang nở rộ.
Trong khi “gã khổng lồ” Trung Quốc Alibaba đã xâm nhập vào thị trường này từ năm 2016. Cuộc chạy đua giữa Amazon và Alibaba chứng kiến sự vượt mặt bất ngờ của “ông lớn” bán lẻ Trung Quốc. Trái ngược với thương vụ 13,7 tỷ USD mua lại Công ty thực phẩm Whole Foods Markets Inc. của Amazon gây chấn động toàn ngành công nghiệp bán lẻ, Alibaba lại chọn cách lặng lẽ phát triển thương hiệu siêu thị thực phẩm Hema. Chuỗi siêu thị Hema là sự kết hợp của 2 phương thức mua sắm: Online và offline (trực tuyến và tại cửa hàng). Giới chuyên gia nhận định, thử nghiệm về cách người tiêu dùng lựa chọn, trả tiền và có hàng hóa vận chuyển về tận nhà, điều này có thể mở ra cánh cửa giúp các nhà điều hành cân nhắc về sự kết hợp giữa Amazon và Whole Foods.
Cùng với đó, Alibaba cũng chọn cách mua lại các công ty TMĐT địa phương thay vì xây dựng một hệ thống mới như Amazon. Một trong những thương vụ thu mua lớn nhất kể từ khi thành lập tới nay phải kể tới là vụ Alibaba mua lại phần lớn cổ phần của Lazada vào tháng 4/2016, trước khi nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 83% trong năm 2017. Với giá trị 2 tỷ USD, đây là khoản đầu tư lớn nhất của Alibaba ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh Lazada, Alibaba còn đầu tư vào nhiều nền tảng thanh toán khác nhau ở Đông Nam Á, nhằm củng cố vị thế của mình tại thị trường tiềm năng này.
Với những gì Alibaba đã chuẩn bị buộc Amazon phải sẵn sàng cho một đối thủ cực kỳ mạnh và khó chơi. Có lẽ, ban đầu thị trường Đông Nam Á sẽ vẫn có đủ chỗ cho cả 2 “ông lớn” này phát triển, nhưng về lâu dài sẽ trở nên chật chội. Bất chấp việc đang chi phối ngành bán lẻ trực tuyến, cả Alibaba và Amazon đều phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như JD.com của Trung Quốc, cũng như Walmart và Target ở Mỹ. Walmart và Target đã công bố doanh thu TMĐT tăng mạnh trong báo cáo doanh thu mới nhất được công bố trong tuần này. Đặc biệt, Walmart đang có bước tiến mạnh mẽ với việc mua lại Jet.com và một số trang web TMĐT khác chuyên đánh vào các thị trường ngách.