Thị trường tiêu thụ bất ổn, người chăn nuôi cần thận trọng tái đàn

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bất ổn, giá thức ăn chăn nuôi và con giống tăng cao đang đặt ngành chăn nuôi trước nhiều khó khăn. Để hạn chế rủi ro, trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần nghiên cứu kỹ thị trường và hạn chế nguy cơ dịch bệnh ngay từ gốc.

Người chăn nuôi không mặn mà

Sau Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi và trang trại trên địa bàn Hà Nội đã sớm vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị các điều kiện để tái đàn vật nuôi.

Thời điểm này, thời tiết ấm lên là điều kiện lý tưởng để các hộ chăn nuôi vào lứa mới. Hiện nay, nông dân chủ yếu chăn nuôi gối vụ liên tục, nhưng do dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật tăng cao (khoảng 20 – 30 %) so với bình thường. Do vậy, đây là thời điểm vào đàn vật nuôi lớn nhất trong năm.

Người chăn nuôi huyện Chương Mỹ nhập đàn vịt giống 
Người chăn nuôi huyện Chương Mỹ nhập đàn vịt giống 

Nhưng hiện nay, dịch bệnh truyền nhiễm trên người như Covid-19, dịch bệnh trên động vật như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… đã và đang diễn biến phức tạp, có tác động lớn đến chuỗi cung ứng trong nước, cũng như toàn cầu. Mặt khác, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng đang phát sinh biến động lớn về thị trường.

Ngành chăn nuôi trong nước đang đứng trước nhiều thách thức. Việc toàn cầu hóa về thị trường, xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn đến các chuỗi cung ứng, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi khi Việt Nam là thành viên.

Trong đó, Hiệp định thế hệ mới CPTPP, EVFTA… yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y và giá con giống tăng cao cũng là lý do khiến người chăn nuôi không mấy mặn mà tái đàn trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, trong suốt năm 2021, người chăn nuôi lao đao vì có thời điểm giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất, vật nuôi đến kỳ xuất bán nhưng không tiêu thụ được… làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và mất an toàn dịch bệnh.

Việc nhập đàn, tái đàn với người chăn nuôi rất quan trọng, để khôi phục sản xuất, tăng thu nhập song hiện nay, việc tái đàn vật nuôi của người dân còn khá nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. Nhiều người có tâm lý nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ về thị trường đã ồ ạt nhập đàn mới, hoặc nhập giống trôi nổi trên thị trường nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trong khi đó, đa phần người dân không khai báo khi tái đàn nên khi xảy ra dịch bệnh không được nhận hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện tốt việc về sinh chuồng trại, tiêm phòng chủ động nên để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Nghiên cứu kỹ thị trường, phòng dịch từ gốc

Để hạn chế rủi ro, mang lại hiệu quả cao, trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ thị trường, chi phí đầu vào, để tính toán loại vật nuôi, quy mô chăn nuôi phù hợp, không nên nhập ồ ạt trong bối cảnh thị trường đang có những biến động bất thường.

Theo đó, chỉ tái đàn trong điều kiện mặt bằng giá động vật, sản phẩm động vật trên thế giới và Việt Nam tương đương nhau không chênh lệnh quá lớn.

Lưu ý thứ 2, cần chuẩn bị tốt điều kiện về chuồng trại chăn nuôi trước khi nhập đàn mới. Theo đó, cần vệ sinh cơ giới, phun thuốc sát trùng, để trống chuồng (khoảng 5- 10 ngày). Trường hợp chuồng nuôi có gia súc, gia cầm ốm chết phải tiêu hủy, vệ sinh bằng vôi bột, phun thuốc sát trùng, ngâm nước vôi nền chuồng để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tái nhiễm xâm nhập. Khi nhập con giống, cần đảm bảo nhập từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở chăn nuôi uy tín có thương hiệu, đặc biệt là cơ sở đã được công nhận về vùng, an toàn dịch bệnh. Khi mua giống về, phải thực hiện việc nuôi tân đáo (nuôi riêng) đối với gia súc mới nhập đàn (khoảng 1-2 tuần).

Trên thực tế, nhiều cơ sở chăn nuôi bỏ qua bước này, dẫn đến rủi ro cả vật nuôi mới và cũ. Vì khi gia súc, gia cầm trong quá trình vận chuyển có thể đi qua vùng dịch bị lây bệnh và trong quá trình vận chuyển gặp thời tiết bất lợi khiến dịch bệnh phát sinh.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương sở tại. Đây là điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật chăn nuôi, để có sự giám sát của các cơ quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn.

Trường hợp gia súc, gia cầm không may xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêu hủy bắt buộc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trường hợp không khai báo chăn nuôi khi xảy ra dịch sẽ không được nhận hỗ trợ mà còn bị xử lý vi phạm hành chính nếu để xảy ra dịch bệnh.

Song song với đó, cần đảm bảo chế độ chăm sóc nuôi dưỡng cho gia súc, gia cầm tập làm quen dần với môi trường sống mới. Lưu ý về khẩu phần ăn, lượng nước uống đảm bảo. Thông thường gia súc, gia cầm mới sẽ kém ăn trong vài ngày đầu. Mặt khác, nên hợp tác xây dựng liên kết chuỗi để có sự chủ động về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư trang thiết bị trong chăn nuôi, cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Cuối cùng, cần thực hiện tốt việc kiểm dịch động vật, đảm bảo gia súc khỏe mạnh có chất lượng khi nhập đàn. Trong quá trình chăm sóc, nếu phát sinh con vật có triệu chứng bất thường cần cách ly theo dõi và báo cán bộ chuyên môn đến kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trị, tiêu hủy theo quy định.