Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED đã nâng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25%, lên ngưỡng 0,75% - 1% hiện tại. Cơ quan này vẫn giữ nguyên dự báo nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần năm tới. Đây được xem là bước đi quyết đoán của FED trong nỗ lực đưa chính sách tiền tệ của Mỹ trở lại với trạng thái bình thường sau một thời gian dài nới lỏng tới mức chưa từng có tiền lệ nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới hậu khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Các chuyên gia nhận định, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế như thị trường lao động Mỹ đã tạo ra hơn 230.000 việc làm mới trong 2 tháng đầu năm 2017 và lạm phát tăng ổn định là tiền đề cho lần tăng lãi suất này của FED.
Phản ứng trước tuyên bố của FED, chứng khoán thế giới đều bao phủ sắc xanh và các mặt hàng chủ chốt như vàng, dầu mỏ… đồng loạt tăng giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3 trên thị trường phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 20.950,10 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 2.385,26 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 0,7% lên 5.900,05 điểm. Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến theo lý thuyết là tăng, đồng USD đã giảm mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD trong rổ tiền tệ mạnh sụt xuống mức 100,51 điểm, thấp nhất trong 3 tuần. Giới phân tích lý giải, nguyên nhân có thể là do FED không đưa ra bất kỳ kế hoạch nào cho thấy sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Thậm chí, FED cũng không nhắc đến khả năng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn nếu Nhà Trắng thúc đẩy các chính sách ủng hộ tăng trưởng, trong đó có các chương trình chi tiêu và cắt giảm thuế.
Trong khi đa số các ngân hàng liên đới (những ngân hàng có quan hệ kinh doanh trực tiếp với FED) đều có chung kỳ vọng FED sẽ phác thảo các kế hoạch thanh lý số trái phiếu trị giá 4,4 nghìn tỷ USD. Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc (BoK) lại tỏ ra “không mặn mà” và cho biết, họ sẽ không “máy móc” đi theo chính sách tăng lãi suất của FED. Tuy nhiên, có thể thấy quyết sách mới của FED nhiều khả năng sẽ gây áp lực cho chính quyền Seoul trong việc đưa ra chính sách kích thích nền kinh tế. Bởi, trong bối cảnh nền chính trị đang đối mặt với nhiều bất ổn, do bà Park Geun-hye bị phế truất và nền kinh tế đương đầu với khủng hoảng, do hành động “trả đũa” của Trung Quốc, vì Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD), rất khó để BoK “chạy theo” FED.
Tuy nhiên, nếu BoK giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, sẽ tạo ra sự chênh lệch quá lớn về tỷ giá tiền tệ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Như vậy, nhiều khả năng sẽ tái diễn một nguy cơ tương tự những gì đã diễn ra vào năm 1999. Thời điểm đó, khi tỷ giá tiền tệ của Mỹ và Hàn Quốc có sự chênh lệch lớn đã buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải “đổ xô” bán hết khoảng 5,5 nghìn tỷ Won (4,8 tỷ USD) cổ phiếu Hàn Quốc.