Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường vàng: Kết thúc một tuần biến động mạnh nhất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với diễn biến phiên sáng nay 23/2, giá vàng miếng trong nước giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng so với phiên mở cửa đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày.

Lúc 8h11, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI báo giá mua và bán vàng miếng SJC lần lượt 44,96 - 45,06 triệu đồng. Giá tăng từ 60.000 đến 100.000 đồng so với sáng hôm qua. Đây là ngày tăng thứ hai liên tiếp của giá vàng sau khi đã trải qua đợt sụt giảm khá mạnh trước đó, có lúc rơi xuống dưới 44,4 triệu đồng vào ngày 21/1 do chứng kiến sự lao dốc mạnh nhất 7 tháng qua của thị trường quốc tế.

Giá thu mua SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lúc 8h40 sáng nay tăng mạnh hơn, 130.000 đồng, lên sát 44,98 triệu đồng. Giá bán ra của doanh nghiệp này hiện ở 45,10 triệu đồng, cao hơn 80.000 đồng so với mở cửa sáng qua.

Trong tuần, có thời điểm, giá vàng SJC bán ra tăng lên mức 45,55 triệu đồng/lượng, nhưng có lúc giảm về 44,7 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong hơn 1 tháng.

Tuần này là tuần giao dịch đầu tiên của thị trường vàng trong nước sau kỳ nghỉ Tết âm lịch. Nếu tính từ đầu tuần, giá vàng chỉ giảm 80.000 đồng/lượng, một mức thay đổi không lớn.

Thị trường vàng: Kết thúc một tuần biến động mạnh nhất - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, thị trường vàng và ngoại tệ trong nước đã chứng kiến những biến động lớn về giá trong tuần này. Sự kết hợp cùng lúc giữa nhiều yếu tố tác động lớn, bao gồm giá vàng quốc tế sụt giảm nhanh, tỷ giá USD/VND trong nước tăng mạnh, và lực mua vàng của người dân tăng sau Tết, đã khiến giá vàng trong nước trồi khá sụt mạnh.

Chênh lệch giá vàng nội ngoại chưa dừng lại mà tiếp tục doãng rộng và đạt mức kỷ lục mới 5,4 triệu đồng vào ngày 21/1 khi giá thế giới lao dốc không phanh, xuống mức thấp nhất 7 tháng qua, còn trong nước chỉ giảm dè dặt, thậm chí biến động ngược chiều. Đây là lần đầu tiên chênh lệch vàng "nội" và "ngoại" lên mức cao như vậy. Trước Tết Nguyên đán, độ vênh giữa hai thị trường đã được co hẹp còn trên 3 triệu đồng.

Cũng trong ngày này, thị trường xuất hiện tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt cùng với lời đồn thổi Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng đã khiến một số người dân đổ đi mua vàng miếng bất chấp khoảng chênh lớn như trên.

Trên thị trường thế giới, giá vàng ghi nhận tuần giảm giá hơn 2% khi giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex giảm 5,8 USD xuống còn 1.572,8 USD/ounce. Lượng giao dịch thấp hơn 30% so với trung bình 250 ngày.

Tuy nhiên, giá vàng giao ngay trên Kitco lại tăng 4,5 USD so với giá chốt phiên trước, giao dịch ở mức 1.581,5 USD/ounce.

Hiện tại, yếu tố chính chi phối tâm lý các nhà đầu tư vàng vẫn là biên bản cuộc họp Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với cảnh báo Fed có thể nới lỏng tiền tệ chậm lại hoặc ngừng hẳn.

Niềm tin kinh doanh trên toàn cầu đang cải thiện và chứng khoán phố Wall phục hồi cũng làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng. Chỉ số S&P 500 tăng 6% kể từ đầu năm nay, dù giảm nhẹ trong tuần này thì chỉ số vẫn giữ vững trên mốc chủ chốt 1.500 điểm.

Số liệu hôm qua của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC) cho biết, các nhà quản lý tiền tệ giảm mua ròng các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn vàng xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2008.

Theo số liệu từ Exchange Traded Gold, chốt phiên giao dịch ngày 22/2, quỹ tín thác vàng SPDR Gold Trust đã bán ra 9,63 tấn. Lượng vàng nắm giữ của quỹ này hiện ở 1.280,67 tấn, trị giá 64,89 tỷ USD. Đây là phiên bán ra thứ 7 liên tiếp của SPDR Gold Trust với tổng lượng bán ra tới hơn 49 tấn.

Kể từ đầu năm đến nay, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã bán ròng tổng cộng 70,15 tấn. Còn năm 2012, SPDR mua ròng 96,25 tấn vàng, với lượng nắm giữ lên kỷ lục 1.353,34 tấn vào ngày 7/12/2012.

Nếu quy ra tiền Việt theo tỷ giá của các ngân hàng thương mại sáng nay 23/2, mỗi lượng vàng quốc tế hiện tương đương 39,9 triệu đồng (chưa gồm các loại phí, thuế...), thấp hơn 5,2 triệu đồng so với niêm yết của các doanh nghiệp.