KTĐT - Giá vàng trong nước sáng nay 5/11 giảm nhẹ xuống còn 24,64 - 24,7 triệu đồng mỗi lượng, với niêm yết bán ra giảm 50.000 đến 70.000 đồng và mua vào chỉ mất khoảng 10.000 đồng so với chiều qua. Vàng miếng SBJ đầu giờ sáng nay đứng ở 24,62 - 24,67 triệu đồng.
Thị trường vàng miếng giảm nhẹ 50.000 đồng so với chiều qua, xuống dưới mốc cao lịch sử 24,7 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là phút nghỉ ngơi của giá trước khi tiếp tục leo dốc.
Giá vàng trong nước sáng nay 5/11 giảm nhẹ xuống còn 24,64 - 24,7 triệu đồng mỗi lượng, với niêm yết bán ra giảm 50.000 đến 70.000 đồng và mua vào chỉ mất khoảng 10.000 đồng so với chiều qua. Vàng miếng SBJ đầu giờ sáng nay đứng ở 24,62 - 24,67 triệu đồng. Đà giảm khoảng 50.000 đồng không đáng kể so với mức tăng từ 410.000 đến 510.000 đồng của thương hiệu này trong ngày hôm qua sau 14 lần thay đổi niêm yết.
Các sàn vàng sáng nay 5/11 mở cửa quanh 23,291 triệu đồng, tăng 200.000 so với sáng 4/10. Kể cả khi giá quốc tế chững lại nhẹ, lực mua vẫn tốt hơn bán khi các yếu tố kỹ thuật cho thấy thị trường có thể lên cao nữa. Tính đến 10h30, giá khớp lệnh giảm 100.000 đồng so với mở cửa, bám sát với đà xuống nhẹ của thị trường quốc tế. Tính đến 9h sáng nay, khối lượng khớp lệnh thành công tại trung tâm giao dịch vàng SBJ đạt hơn 240.000 lượng, giá biến động trong biên độ 23,398 - 23,610 triệu đồng.
Trên thị trường thế giới, sau một ngày leo thang chóng mặt có lúc lên đến 1.097,72 USD một ounce, biểu đồ giá đi ngang vào cuối phiên và hiện đứng ở 1.087 USD lúc 10h30 sáng nay.
Các chuyên gia cho rằng vàng chỉ đang trong giai đoạn nghỉ ngơi ngắn trước khi tiếp tục đà lao dốc. Thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì mức lãi suất cơ bản thấp thêm một thời gian nữa khiến nguy cơ giảm điểm lại đè nặng lên đôla Mỹ. Sau tuyên bố của FED, đồng đôla giảm 1% điểm so với đồng euro, sau khi mất 6,9% kể từ hồi đầu năm. Khi USD giảm giá, các nhà đầu tư lao đến vàng như một kênh đầu tư thay thế. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương của Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ cũng tìm cách bán tháo đồng đôla và mua các loại dự trữ ngoại tệ khác như vàng. Việc Ấn Độ mua 200 tấn vàng hôm thứ hai càng khiến các nước khác nôn nóng muốn mua nốt số vàng còn lại trong tổng số 403 tấn vàng mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF rao bán.
Jim Rogers, Chủ tịch quỹ đầu tư Rogers Holdings, người từng tiên đoán chính xác đà leo thang của giá hàng hóa từ hồi 1999, nay tiếp tục đưa ra dự đoán giá sẽ lên ít nhất 2.000 USD vào thập kỷ tới trên kênh Bloomberg TV. Ông cho biết, mình sẽ tiếp tục mua vàng vào và chưa vội bán ra. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác nhận định cần phải cẩn trọng, vì các lý do khiến vàng tăng giá đều không thực sự mạnh mẽ tương ứng với đà leo thang hiện nay.