70 năm giải phóng Thủ đô

Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An): Khu công nghiệp “nằm chờ” các nhà đầu tư

Trần Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi công xây dựng từ năm 2008 với quy mô ban đầu rộng gần 300ha và dự kiến hoàn thành các hạng mục hạ tầng cơ sở vào năm 2011. Thế nhưng, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, nhiều diện tích đất quy hoạch để đón nhà đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng KCN Hoàng Mai còn tạo tiền đề “đi tắt đón đầu” để Nghệ An được Chính phủ phê duyệt thành lập thị xã Hoàng Mai vào năm 2013, phấn đấu trở thành đô thị công nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, do công tác triển khai các dự án thu hút đầu tư chưa hiệu quả nên thị xã Hoàng Mai vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. 
Dự án trọng điểm vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ

Ngày 22/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn số 2244/TTg-KT đồng ý điều chỉnh bổ sung danh mục KCN Hoàng Mai do Công ty CP Đầu tư Dầu khí VIP Việt Nam (PVCOM) làm chủ đầu tư vào danh mục các khu công nghiệp ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đến năm 2014, Thủ tướng cũng đã đồng ý sát nhập KCN Hoàng Mai thuộc sự quản lý của Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An. Theo đó, phần lớn diện tích đất canh tác hoa màu lâu năm của các địa phương như Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị sẽ được quy hoạch để xây dựng KCN Hoàng Mai.
Nhiều diện tích “đất sạch” tại KCN Hoàng Mai hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư triển khai xây dựng.
Việc triển khai xây dựng KCN Hoàng Mai được xem là dự án trọng điểm của vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực phía Bắc của tỉnh Nghệ An. Dự kiến, sau khi KCN Hoàng Mai hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội địa phương. Qua tìm hiểu, KCN Hoàng Mai hình thành sẽ có nhiều lợi thế như: Vị trí giao thông rất thuận lợi, từ đây có thể dễ dàng tiếp cận nhanh chóng các cảng biển, cảng đường bộ và cảng hàng không do đó tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian vận chuyển, đặc biệt là chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa; tiếp giáp tỉnh Thanh Hóa với nguồn lao động trẻ dồi dào nên tại đây các nhà đầu tư chẳng những có điều kiện thuận lợi trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động mà còn có thể tiết kiệm chi phí nhân công và được hưởng các dịch vụ với giá rẻ.

Chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai GPMB để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cũng được nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thiện, tạo “đất sạch” để các doanh nghiệp vào hoạt động. Các ngành nghề cũng được thu hút, khuyến khích đầu tư vào KCN Hoàng Mai như: Công nghiệp chế biển nông - lâm - khoáng sản; Công nghiệp sản xuất giầy dép; Công nghiệp may mặc; Công nghiệp dệt nhuộm; Công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất bán thành phẩm xây dựng; Công nghiệp cơ khí lắp ráp; Công nghiệp cơ khí chính xác; Công nghiệp chế biến gỗ lâm sản; Công nghiệp sản xuất phụ tùng phục vụ các ngành sản xuất, dịch vụ…
Đến nay, KCN Hoàng Mai đã có các dự án đầu tư, xây dựng được cấp phép hoạt động gồm: Dự án sản xuất miếng đeo chống virus xâm nhập cơ thể - Công ty CP Envroy Việt Nam (tổng mức đầu tư 3.500.000 USD); Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và trồng rừng Quỳnh Thiện - Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng); Nhà máy luyện gang Kế Đạt - Công ty TNHH luyện gang Kế Đạt Nghệ An (tổng mức đầu tư 17.100.000 USD); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hoàng Mai - Công ty CP đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai (tổng mức đầu tư 812,825 tỷ đồng); Nhà máy chế biến nhựa thông Hoàng Mai - Công ty TNHH Container Nghệ An (tổng mức đầu tư 55,27 tỷ đồng)…

Nhiều diện tích vẫn bị bỏ hoang

Theo báo cáo mới nhất của Khu kinh tế Đông Nam, tính đến thời điểm hiện nay, tại KCN Hoàng Mai mới chỉ có 26ha/203,5ha diện tích đất đã được doanh nghiệp tiến hành làm các thủ tục đăng ký thuê đất đầu tư xây dựng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công tác thu hút đầu tư, triển khai dự án xây dựng tại KCN Hoàng Mai thời gian qua đang triển khai rất chậm.
Một số hạng mục hạ tầng KCN Hoàng Mai đang xuống cấp nghiêm trọng.
Theo các cơ quan quản lý Nhà nước, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này do thiếu vùng nguyên liệu, năng lực tài chính không đảm bảo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được dây chuyền sản xuất…
Theo ông Phan Xuân Hóa - Phó ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Dự án xây dựng KCN Hoàng Mai được các cấp quan tâm, đôn đốc nhằm thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư trong thời gian qua. Thế nhưng, nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn triển khai xây dựng chưa đúng tiến độ cam kết ban đầu. Đơn cử như dự án xây dựng nhà máy Sắt xốp Kobelco trong KCN Hoàng Mai được khởi công vào ngày 24/7/2010 do Tập đoàn Thép Kobelco - Nhật Bản làm chủ đầu tư với công suất 2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD vẫn chưa thể triển khai. Đây cũng là đơn vị được xác định đầu tư chính vào KCN Hoàng Mai nhưng hiện nay Tập đoàn này vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về nguyên liệu, chính sách… nên quy hoạch vẫn còn trống.

Một khó khăn nữa mà các nhà đầu tư đưa ra đó là nguồn nước sạch để phục vụ kinh doanh, sản xuất khi nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động hiện nay đang triển khai rất chậm. Cụ thể, tiến độ thi công dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An công suất 80.000 m3/ngày đêm” giai đoạn I (dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý I/2017) nhưng đến nay các hạng mục như bể chứa, hệ thống ống dẫn nước, nhà điều hành… vẫn đang dang dở. Đây cũng là một trong những lý do cơ bản khiến nhà đầu tư chưa thể mặn mà rót vốn xây dựng vào KCN Hoàng Mai trong thời gian qua.

Như vậy, để “nhường đất, dời nhà” phục vụ công tác GPMB cho dự án xây dựng KCN Hoàng Mai, người dân sinh sống tại thị xã Hoàng Mai đã sẵn sàng bàn giao hàng trăm nghìn m2 đất. Thế nhưng, gần 10 năm qua, công tác triển khai thu hút đầu tư xây dựng vẫn còn triển khai chưa đúng với quy hoạch ban đầu, gây lãng phí tư liệu sản xuất. Nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, vật chất tại KCN Hoàng Mai cũng đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng trong suốt những năm qua.