Các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm số ca tăng nặng và số người tử vong. Mặc dù vậy, người dân và chính quyền TP không quá hoang mang, luôn căn cứ vào Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai các bước theo tình hình thực tế. Dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, nhưng TP vẫn kiểm soát được tình hình. Hà Nội đã thay đổi tốt phương thức phong tỏa, xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Việc thực hiện quy mô phong tỏa hẹp nhất đã tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống người dân.
Hiện, Hà Nội đã thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế theo quy trình chặt chẽ. TP cũng đã triển khai và ban hành Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Đây là bước tiến mạnh mẽ thể hiện tinh thần “thích ứng an toàn” trong phòng, chống dịch của TP. Phương án mới này không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân, để “sống chung an toàn với Covid-19”.Lãnh đạo TP cũng xác định nguy cơ bùng phát dịch trở lại là khá cao nên các chỉ đạo đều nhấn mạnh đến tính an toàn, chắc chắn, xác định phòng dịch hơn chống dịch. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của TP, các quận, huyện đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để thích ứng an toàn với dịch. Chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19, không để bị động. Các nghị quyết, công điện, kế hoạch liên tục được TP triển khai để thống nhất trong quan điểm chỉ đạo, với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi. Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn và hướng dẫn các tiêu chí của Bộ Y tế, các đơn vị hành chính trên địa bàn TP cũng đánh giá, phân loại cấp độ dịch hàng tuần và công bố công khai; đưa ra các giải pháp thích ứng tương ứng với các cấp độ dịch ở từng địa bàn phường, xã, quận, huyện.Đại đa số người dân Hà Nội cũng không lơ là, chủ quan mà dần thích ứng với những giải pháp cần thiết để phòng ngừa, “sống chung an toàn với Covid”. Cùng với tuân thủ “5K”, khai báo y tế, việc quét mã QR đang trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của người dân. DN cũng đưa vào triển khai các phương án sản xuất an toàn, gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế.Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, để thích ứng với tình hình dịch bệnh khó lường tại TP, các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực y tế từ TP xuống đến cơ sở.Trước số lượng các ca F0 tăng cao, TP đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng rà soát ngay cơ sở vật chất của 579 trạm y tế cấp xã, nhất là hệ thống oxy, cơ chế vận hành, là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng; thành lập các trạm y tế lưu động tại địa bàn dân cư...Ðể giảm tải công việc cho cán bộ, nhân viên y tế, TP đã thành lập các Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với lực lượng thanh niên là nòng cốt, để tiếp nhận thông tin từ F0 tại nhà. TP tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2 cho cho người dân. Cùng với đó, TP cũng sẵn sàng các kịch bản khi dịch tăng cao, đồng thời yêu cầu sự vào cuộc của chính quyền cơ sở linh hoạt hơn, trách nhiệm hơn, giúp đời sống người dân được bảo đảm nhưng vẫn an toàn trong phòng, chống dịch.