Tăng cường tái cấu trúc
Năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam bắt đầu kế hoạch mở cửa, các DN cũng thông qua nhiều kế hoạch kinh doanh phù hợp. Theo đó, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, việc thay đổi và đẩy mạnh các chiến lược, mục tiêu sản xuất, kinh doanh đã được DN bắt tay ngay vào thực hiện.
Mới đây, HĐQT Công ty Cổ phần Tasco (Tasco) vừa thông qua chương trình tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của DN này. Theo đó, ''ông lớn'' BOT và BT này đã quyết tâm thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành trong lĩnh vực xây dựng và y tế.
Cụ thể, ngày 15/2/2022, Tasco thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của Tasco tại Công ty TNHH T’Hospital (tỷ lệ sở hữu 100%).
Sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp, Tasco không còn sở hữu T’Hospital và sẽ thoái vốn khỏi ngành y tế, tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ để tập trung vào 3 ngành kinh doanh cốt lõi: Hạ tầng giao thông, thu phí không dừng và kinh doanh bất động sản.
Tân Chủ tịch HĐQT Hồ Việt Hà và Ban điều hành sẽ chủ động tìm kiếm đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng phần vốn góp, đàm phán quyết định giá, cấu trúc, thời điểm thực hiện và các điều kiện, điều khoản, hợp đồng liên quan đảm bảo quyền lợi của Tasco và phù hợp quy định của pháp luật.
Đây là lần thoái vốn lớn thứ 2 chỉ sau hơn 3 tháng chuyển giao đội ngũ lãnh đạo mới. Mới nhất, Tasco cũng thông báo về tham vọng sẽ tăng vốn để sở hữu 100% cổ phần tại SVC Holdings. Công ty Holdings này đang sở hữu 54,1% của Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và các công ty lớn như 100% Savico Hà Nội, 80% Công ty Cổ phần Ô tô Bắc Âu (Volvo Việt Nam), 59.8% Công ty Cổ phần DANA (Đà Nẵng Ford).
SVC holdings được biết đến là nhà phân phối ô tô số 1 Việt Nam với hơn 11,2% thị phần (theo số liệu xe mới bán ra của VAMA - Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), là nhà phân phối lớn nhất của Toyota (gần 20% thị phần), Ford (33% thị phần) và nhà phân phối thương hiệu xe sang Volvo tại Việt Nam. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, SVC Holdings có doanh thu toàn bộ hệ thống năm 2021 hơn 27.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế gần 408 tỷ đồng.
Sau khi sở hữu 100% SVC Holdings, ngoài việc xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống thu phí không dừng, New Tasco còn cung cấp xe ô tô các loại cũ mới, xe phổ thông, xe sang, dịch vụ liên quan tới xe và dịch vụ giá trị gia tăng cho xe và chủ xe, hướng tới xây một hệ sinh thái đủ lớn và hoàn thiện từ thượng nguồn tới hạ nguồn dịch vụ cho 4,5 triệu khách hàng sở hữu xe cùng thị trường đang tăng trưởng 2 con số.
Ngoài ra, HĐQT của Tasco cũng thông qua đề án phát triển thương hiệu Tasco Land nhằm quản lý tất cả dự án bất động sản của Tasco, và hợp tác với Savico để khai thác và tối ưu các quỹ đất của Savico.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng và định hình ra nhiều xu thế phát triển kinh tế mới. Trong bối cảnh này, câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, thích ứng linh hoạt với tình hình mới lại được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết
Theo ông Tạ Châu Sơn - chuyên gia phân tích thiết kế hệ thống Công ty Đầu tư và Giải pháp Công nghệ SReal, tái cấu trúc doanh nghiệp là nhiệm vụ tất yếu và phải được ưu tiên hàng đầu. “Mọi thời điểm đều phải tái cấu trúc. Quy mô có thể nhỏ hay lớn tùy theo nguồn lực nội tại của doanh nghiệp đó”- ông Sơn nhấn mạnh.
Tại Công ty Bảo hiểm BIC, năm nay, song song với việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiệu quả hoạt động, BIC sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm. Theo đó, BIC sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: Kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp hơn với thực tế và định hướng kinh doanh; đầu tư phát triển các sản phẩm, kênh phân phối bán lẻ; nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm… BIC sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện nhằm tạo sự bứt phá cho hoạt động kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Ông Trần Xuân Hoàng - Chủ tịch HĐQT BIC, đối với kế hoạch năm 2022, đơn vị tiếp tục kiên định với mục tiêu hiệu quả và phát triển bền vững; tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí kinh doanh, xây dựng đề án quản trị chi phí hiệu quả; phục vụ tốt hơn các khách hàng của BIDV; đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; rà soát cơ chế thu nhập, tạo động lực mạnh hơn nữa cho cán bộ để phát triển hoạt động kinh doanh.
Tập trung phát triển bền vững
Covid-19 khiến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong cơn bão đại dịch này, giá trị của sản xuất bền vững lại được DN coi trọng hơn bao giờ hết.
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững quốc gia với quy mô ngày càng mở rộng. Thủy sản Việt Nam, đặc biệt là ngành tôm đang khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều thách thức khó khăn, tuy nhiên, ngành tôm vẫn đạt được kết quả tích cực và tiếp tục có nhiều tiềm năng phát triển.
Bởi vậy, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã “bắt tay” với Miền Trung Group trở thành đối tác tài chính và hỗ trợ nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư, xây dựng hạ tầng, thanh toán của doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị kinh doanh, phát triển bền vững chuỗi giá trị tôm Việt.
Đây là một trong những chương trình hướng đến lĩnh vực thủy sản lớn nhất trong năm 2022 của Nam A Bank, nhằm góp phần phát triển ổn định ngành tôm trong tình hình mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tôm Việt nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
Theo các chuyên gia, năm 2022, thị trường tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điều này đòi hỏi các DN phải nỗ lực hơn và đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp.
Ông Tạ Châu Sơn cho hay, trong thời đại này, việc gắn kết sâu sắc với cộng đồng khách hàng (kinh doanh tác động xã hội) là cực kỳ quan trọng. Điều này giúp các DN luôn có khách hàng trung thành, bảo vệ và hỗ trợ nhau lúc khó khăn, khủng hoảng. Các chính sách kinh doanh nên tập trung nhiều hơn vào mục tiêu đa lợi ích cho cộng đồng.