Thích ứng với Covid-19: Các thủ đô Đông Nam Á đang trở lại

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa đại dịch Covid-19 chưa thấy hồi kết, các quốc gia Đông Nam Á hiện đối mặt nhu cầu cấp thiết phải mở cửa trở lại để cân bằng giữa đảm bảo sức khỏe và sinh kế cho người dân. Như một sự hưởng ứng đồng loạt, nhiều thủ đô trong khu vực, bao gồm Hà Nội, đang nỗ lực hành động.

Học sinh rửa tay khử khuẩn tại một trường học ở thủ đô Campuchia, ngày 15/9. Ảnh: Phnom Penh Post
Đẩy mạnh tiêm chủng và xét nghiệm, tạo "luồng xanh"

Ngày 15/9, hơn 200 trường công lập và tư thục tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã được phép mở cửa đón học sinh trở lại lớp sau hơn 7 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết, để mở cửa trở lại trường học một cách an toàn, các giáo viên sẽ được tiến hành xét nghiệm Covid-19 hàng tháng, trong khi học sinh cũng sẽ được xét nghiệm nếu bị sốt hoặc có các triệu chứng nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tất cả học sinh và giáo viên của 227 trường THCS và THPT trên địa bàn thủ đô đều đã được tiêm phòng Covid-19. Phnom Penh hiện là một trong số các TP có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất khu vực, với khoảng 99% dân cư đủ điều kiện đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Trước đó, Singapore - nơi phản ứng của thủ đô và quốc gia gần như là một - cũng đã dần tạo được “luồng xanh” dựa trên tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 vượt bậc. Với việc từng bước mở rộng tiêm chủng có lựa chọn vaccine theo từng lứa tuổi cho cả các cơ sở bán công, tỷ lệ bao phủ vaccine của Singapore thẳng tiến sau 2 tháng, từ mức chưa đến 40% vào đầu tháng 7/2021 lên gần 80% dân số vào lúc này.

“Khi 80% dân số Singapore đã tiêm phòng đầy đủ, thậm chí với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, nền kinh tế sẽ được giải thoát hơn nữa, với nhiều hoạt động xã hội được phép diễn ra cũng như du lịch được tiếp tục” - Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung tuyên bố trong một cuộc họp báo về lộ trình 4 giai đoạn “sống chung với Covid-19”.

Và trong giai đoạn chuẩn bị đầu tiên, TP đã lần lượt nới lỏng các quy định phòng dịch: Cơ sở kinh doanh ăn uống được phép phục vụ tại chỗ tối đa mỗi bàn 5 khách nếu tất cả tiêm đủ 2 mũi vaccine; Các chương trình biểu diễn, sự kiện thể thao, rạp chiếu phim, lễ cưới… được phép đón tối đa 500 khán giả nếu tất cả đã được tiêm chủng đầy đủ. Kể từ ngày 19/8, giới hạn này được nâng lên thành 1.000 người, trong khi các văn phòng được tổ chức tối đa 50% số nhân viên làm việc trực tiếp.

Đồng thời, Singapore thực hiện xét nghiệm bắt buộc cho một nhóm khoảng 200.000 người - những người thường xuyên tiếp xúc với những người khác, có nguy cơ phơi nhiễm với Covid-19 cao hơn, với tần suất 2 tuần/lần. Đây là một phần trong thử nghiệm giám sát mới của Singapore nhằm đối phó với làn sóng ca bệnh gia tăng được cho là tất yếu khi TP mở cửa trở lại.
Thực hiện tiêm chủng ngừa Covid-19 cho người dân vào ban đêm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Chiến lược “khóa hẹp để mở rộng”

Tại Hà Nội, sau 1 tuần tiêm chủng “thần tốc” bằng 6 tháng trước cộng lại, hơn 94% dân số thủ đô của Việt Nam trong độ tuổi tiêm chủng đã được chủng ngừa ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 tính đến ngày 18/9. Song song với đó, chính quyền TP đặt mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần, từ 2 - 3 ngày/lần tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao; lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần, 5 - 7 ngày/lần tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác; xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở... trong cộng đồng nói chung. Thống kê từ ngày 16 - 19/9, Hà Nội đã lấy gần 100.000 mẫu thường quy, phát hiện 47 trường hợp dương tính.

Những thành quả và nỗ lực không ngừng này tạo điều kiện để Hà Nội từng bước trở lại “bình thường mới”. Ngày 21/9, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bán mang về; cửa hàng cắt tóc, gội đầu, văn phòng phẩm… đã được phép hoạt động trở lại sau 2 tháng đóng cửa, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Đặc biệt, những chốt chặn trong nội đô được gỡ bỏ để khơi thông cung ứng, giao dịch, phạm vi phong tỏa được thu hẹp về phường, xã… thậm chí tới từng tầng trong các tòa nhà đang là điểm nóng dịch bệnh. Tính đến chiều ngày 21/9, toàn TP chỉ còn 43 điểm phong tỏa, với khoảng 21.900 người.

Chiến lược “khóa hẹp để mở rộng” này cũng đang được Philippines thí điểm thực hiện tại vùng thủ đô Manila, bất chấp việc đây hiện vẫn là tâm chấn, chiếm 1/3 số ca nhiễm Covid-19 của cả nước, trong đó cứ 4 ca bệnh thì có 1 người tử vong.

Kể từ ngày 16/9, vùng thủ đô Manila được đặt trong tình trạng cảnh báo thứ 2 theo một hệ thống phân loại mới, chỉ định rõ khu vực dân cư và doanh nghiệp nào được phép mở cửa, với công suất bao nhiêu đối với đối tượng đã tiêm chủng đầy đủ. Các biện pháp phong tỏa nhắm vào các tòa nhà, đường phố cụ thể, thay thế sơ đồ khóa toàn bộ TP và khu vực trước đó.

Sự thay đổi của Manila, với mục tiêu sẽ áp dụng trên toàn Philippines trong thời gian tới, diễn ra sau lời kêu gọi của các chuyên gia y tế về nhu cầu phân vùng hạn chế một cách chặt chẽ hơn. Điều này được cho không chỉ mở đường cho các lớp học trực tiếp, cơ sở giải trí trong nhà được trở lại ở những khu vực ít khả năng lây nhiễm, mà quan trọng là tạo “quãng thở” cho các bệnh viện của khu vực đã hết công suất trong một cuộc chiến trường kỳ.

“Cho đến nay, các ca bệnh vẫn đang gia tăng. Và chúng tôi cần phải sẵn sàng cho những kỷ lục người nhiễm mới có thể xảy ra” - Geneve Rivera-Reyes, một bác sĩ bệnh viện công tại Manila nói với Reuters.
Người dân ăn trưa, trong khi vẫn tuân thủ giãn cách xã hội, tại một chợ ẩm thực ở Singapore, ngày 21/9. Ảnh: Reuters 

Linh hoạt ứng phó, sẵn sàng cho mọi tình huống

Thủ đô Bangkok của Thái Lan ban đầu đã được Chính phủ lên kế hoạch đón khách du lịch quốc tế trở lại vào ngày 1/10 tới, cho mục tiêu “mở cửa toàn quốc trong vòng 120 ngày” được Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố vào ngày 16/6 năm nay. Tuy nhiên trước những lo ngại về khả năng sẵn sàng của Bangkok, chính quyền TP đã hoãn kế hoạch này, trong khi Thống đốc Aswin Kwanmuang khẳng định không đặt bất cứ hạn định nào về việc mở cửa lại trước khi đạt mục tiêu bao phủ vaccine cho 70% dân số thủ đô, dự kiến vào ngày 22/10 tới.

Mở cửa lại TP không đơn thuần chỉ là cho phép du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đến mà không cần kiểm dịch. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp và cơ sở giải trí, mua sắm sẽ phải mở cửa trở lại để phục vụ khách du lịch. Đây là lý do tại sao các cơ quan y tế Thái Lan khuyến cáo ít nhất 70% dân số Bangkok cần được tiêm phòng đầy đủ để đạt được “miễn dịch cộng đồng” trước khi mở cửa biên giới.

Sự linh hoạt trong ứng phó, chuẩn bị kỹ lưỡng cho diễn biến dịch bệnh có thể phức tạp hơn cũng đang được chính quyền Hà Nội lưu tâm trên con đường thích ứng với Covid-19 của thủ đô. Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu cho TP kịch bản với 40.000 ca nhiễm Covid-19 - trong đó 32.000 trường hợp nhẹ và không biến chứng, 8.000 trường hợp là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch - hiện đã sẵn sàng kích hoạt nếu dịch bùng phát mạnh. Ngành y tế TP cũng đã kích hoạt 2 bệnh viện để đáp ứng riêng cho nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Chính quyền Singapore hồi tháng 7 vừa qua quyết định phân phối miễn phí bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên (ART) cho mọi hộ gia đình, trong khi các bộ ART cũng được bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ tại TP. Giải pháp này nhằm góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch từ chính mỗi người dân trong tình hình mới.
“Mỗi người dân có thể kết hợp một số biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả vào thói quen hàng ngày của mình để giúp cả nước chống lại virus… bao gồm việc duy trì vệ sinh cá nhân tốt, tham khảo bác sĩ và ở nhà khi cảm thấy không khỏe, cũng như tự xét nghiệm và hạn chế các giao tiếp xã hội khi đang chờ đợi kết quả” - Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, đồng chủ tịch nhóm ứng phó liên Bộ về virus của Chính phủ, cho biết.

Cảnh báo rằng Singapore sẵn sàng khởi động lại một số hạn chế xã chế xã hội nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, ông Wong hôm 6/9 kêu gọi người dân: “Hãy hạn chế các tương tác xã hội không cần thiết. Đúng, bạn được phép ra ngoài ăn tối, nhưng nên hạn chế quy mô lại trong giai đoạn này. Mọi nỗ lực lúc này đều đáng giá”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần